fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY Nhà Đất » Tin Kinh tế » Bắc Ninh: Có sông Lục Đầu, núi Thiên Thai; lại là quê hương Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, cha đẻ nỏ thần Cao Lỗ Vương… huyện Gia Bình khai mở tiềm năng du lịch

Bắc Ninh: Có sông Lục Đầu, núi Thiên Thai; lại là quê hương Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, cha đẻ nỏ thần Cao Lỗ Vương… huyện Gia Bình khai mở tiềm năng du lịch

Huyện Gia Bình – Bắc Ninh xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng thương hiệu du lịch Gia Bình là du lịch sinh thái, tâm linh.

Đó là khẳng định của ông Đặng Đình Mạch, Chủ tịch UBND huyện Gia Bình. Theo ông Mạch, để khai mở tiềm năng du lịch, Gia Bình tập trung vào hai lĩnh vực thế mạnh là di tích lịch sử và không gian làng quê. Đây là mục tiêu được huyện Gia Bình xác định trong Đề án phát triển du lịch sinh thái, tâm linh giai đoạn 2020-2030.

Với thế mạnh địa lý nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội 45 km về phía Tây Nam, Gia Bình là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt”, ngàn năm văn hiến, có các tuyến giao thông huyết mạch như QL17, tỉnh lộ 280, 284, 285, tạo kết nối với các tour, tuyến khu/điểm du lịch trong tỉnh Bắc Ninh cũng như các trung tâm kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh).

Lăng mộ Cao Lỗ Vương – Cụm di tích xã Cao Đức, Vạn Ninh

Bảo tồn các Di sản văn hóa

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn luôn được huyện quan tâm đẩy mạnh. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 72 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó, có 10 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 62 di tích lịch sử cấp tỉnh. Các di tích tiêu biểu như: Đền thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh; Chùa Thiên Thư; đình Bảo Tháp; đền thờ Doãn Công Đào Nương; chùa Tĩnh Lự; khu di tích Lệ Chi Viên; chùa Đại Bi; cụm di tích xã Cao Đức, Vạn Ninh nơi có lăng mộ và các đình, đền thờ Cao Lỗ Vương. Đền Tam Phủ – Bãi Nguyệt Bàn thuộc Lục Đầu Giang là nơi diễn ra Hội nghị Bình Than lịch sử do các vương hầu quý tộc nhà Trần bàn kế sách đánh giặc Nguyên – Mông thế kỷ thứ XIII…

Các di tích lịch sử này không chỉ gắn với các danh nhân văn hóa mà còn chứa đựng các giá trị to lớn về mỹ thuật, kiến trúc, thể hiện khát vọng đời sống tâm linh của con người và mang ý nghĩa giáo dục hướng tới chân – thiện – mỹ.

Khu di tích Lệ Chi Viên xã Đại Lai
Khu di tích Lệ Chi Viên, xã Đại Lai
Khu di tích chùa Đại Bi, xã Thái Bảo

Huyện Gia Bình có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: gò đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, nón lá thôn Môn Quảng (Lãng Ngâm), nuôi tằm dệt lụa thôn Ngăm Lương (Lãng Ngâm), làm quang gánh của thôn Triện Quang (Đại Lai),… Những sản phẩm của các làng nghề Đại Bái và Xuân Lai, không những mang giá trị kinh tế cao, mà còn mang tính nghệ thuật độc đáo, mang đậm hồn dân tộc, được mọi miền ưa chuộng và có thương hiệu vàng trên thị trường quốc tế.

Nghệ nhân điêu khắc đồng mỹ nghệ ở làng nghề đồng Đại Bái
Tranh tre Xuân Lai, xã Xuân Lai

Gia Bình còn có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, giá trị về cảnh quan thiên nhiên của huyện là tiềm năng lớn để phát triển không gian du lịch làng quê, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng như hình thành các khu/điểm vui chơi, giải trí quy mô. Đây là lợi thế rất lớn của Gia Bình so với khu vực lân cận trong bối cảnh đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH đang có chủ trương đầu tư tại huyện để khai thác tối đa các lợi thế này.

Ông Nguyễn Hồng Phúc – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Bình chia sẻ: Với tiềm năng du lịch dồi dào, Gia Bình sẽ thu hút được các dự án lớn, đủ tầm để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính đặc trưng riêng; tính liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Bình với các địa phương lân cận Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch của huyện hiện nay chưa được bài bản, vì thế chưa thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Vấn đề huy động vốn, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án du lịch để hình thành các sản phẩm đặc sắc và có sức cạnh tranh với khu vực lân cận là thách thức lớn nhất của du lịch Gia Bình.

Thiên Thư tự (chùa Bảo Tháp)

Vì vậy, theo ông Phúc, việc lập Đề án phát triển du lịch sinh thái, tâm linh giai đoạn 2020-2030 của huyện là yêu cầu cấp thiết nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Gia Bình và cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh nói chung, chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện nói riêng.

“Việc hoàn thiện và ban hành Đề án phát triển du lịch sinh thái, tâm linh trong giai đoạn hiện nay là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch của huyện; là nền móng quan trọng để phát triển lĩnh vực dịch vụ, cũng như kích thích và hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển trong thời gian tới” – ông Phúc nhấn mạnh.

Đề án đặt ra nhiều giải pháp về quy hoạch, đầu tư, xúc tiến quảng bá, mở mang phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý nhà nước… Trước mắt, Gia Bình sẽ đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ như: Lập và phê duyệt xong các đồ án quy hoạch chi tiết các khu/điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển làng nghề gắn với di tích lịch sử; bảo tồn, tôn tạo các di tích và phát triển một số lễ hội truyền thống tiêu biểu.

Khu di tích đền Côn Nương – Chùa Bùng, xã Bình Dương

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn TH đầu tư dự án vào tỉnh này, theo đó, lấy Gia Bình làm trung tâm để thực hiện các chương trình dự án như: phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh ở khu vực. Huyện Gia Bình đang phối hợp với Phòng Du lịch (Sở VHTTDL), Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh viết khoảng 3000 cuốn sách ảnh và sẽ phát cho các du khách khi về thăm quan các lễ hội tại địa phương, từ đó truyền tải đến du khách nhanh nhất về hình ảnh cũng như ý nghĩa của các di tích tiêu biểu nhất, để phát triển du lịch tâm linh. Đây sẽ là cách làm tiếp cận du khách nhanh nhất, cũng như định hướng của tỉnh là chuyển đổi số, phát triển loại hình du lịch thông minh.

Đọc thêm: Tập đoàn TH muốn đầu tư vào siêu dự án “Dòng sông huyền thoại” tại Bắc Ninh

Để du lịch Gia Bình thức giấc

Chủ tịch UBND huyện Gia Bình – Đặng Đình Mạch nhận định, để du lịch Gia Bình thức giấc, huyện Gia Bình chủ động thực hiện và đề xuất một số giải pháp chiến lược với mong muốn đưa du lịch Gia Bình có bước đổi mới thực sự, phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có.

Quyết tâm hoàn thành và đưa vào khai thác quần thể du lịch Văn hoá – Sinh thái – Tâm linh ven sông Đuống như: Khu du lịch sinh thái Thiên Thai, chùa Thiên Thư, di tích Lệ Chi Viên, chùa Đại Bi, đền Tam Phủ. Đặc biệt là khu di tích Đền Lê Văn Thịnh thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu; khu lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ Vương xã Cao Đức được đầu tư, xây dựng khang trang, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, góp phần quảng bá hình ảnh của huyện. Tái bản, bổ sung các tài liệu về di tích lịch sử văn hóa Gia Bình và giới thiệu các di tích tiêu biểu phục vụ tour du lịch tâm linh trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện sẽ đề nghị công nhận di tích Bến Bình Than là di tích lịch sử cấp Quốc gia; xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch Bãi Nguyệt Bàn, khu nghỉ dưỡng sông Đuống gắn với phát triển tổng thể du lịch Lục Đầu Giang, vành đai xanh và định hướng phát triển đô thị ven sông Đuống; quy hoạch và xây dựng trạm dừng nghỉ gắn với trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên tuyến QL17..; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối giữa các điểm du lịch trọng điểm trong huyện và kêu gọi, thu hút nhà đầu tư xây dựng điểm trải nghiệm mô hình nông nghiệp – trang trại, vui chơi giải trí… Từ đó phát huy lợi thế về du lịch sinh thái, tâm linh của huyện trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh.

Khu du lịch sinh thái Thiên Thai
Mô hình các hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Thiên Thai

Khai thác du lịch phải đi đôi với gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phát triển dựa trên quy hoạch tổng thể có định hướng, có chiến lược; Phát triển du lịch sinh thái, tâm linh ở Gia Bình sẽ phải cạnh tranh rất lớn, canh tranh ngay với vùng lân cận. Vì vậy vấn đề huy động vốn và thu hút đầu tư các dự án của các nhà đầu tư lớn cho du lịch là một thách thức không nhỏ với địa phương.

“Vì vậy, chúng tôi hướng tới mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, tâm linh huyện Gia Bình đến năm 2030 với quan điểm: Phát triển du lịch sinh thái, tâm linh huyện Gia Bình phải phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện; phù hợp với định hướng phát triển du lịch và các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh Bắc Ninh; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng thương hiệu du lịch Gia Bình về du lịch sinh thái, tâm linh. Cụ thể, sẽ tập trung phát triển trên 2 lĩnh vực thế mạnh gồm di tích lịch sử và không gian làng quê. Qua đó hình thành các sản phẩm du lịch được thị trường ưa chuộng; Phát triển du lịch hướng đến khai thác đối tượng khách chủ yếu là giới trẻ như học sinh, sinh viên, các tầng lớp lao động, cư dân ở các thành phố lớn về tham quan, khám phá, trải nghiệm, chú trọng khai thác thị trường có lưu trú”, ông Mạch cho hay.

Du lịch tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm tại các du lịch lịch sử văn hóa kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá và trải nghiệm làng quê kết hợp vui chơi giải trí

Phát triển du lịch sinh thái, tâm linh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp Đảng ủy; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn của địa phương cho phát triển du lịch.

Xây dựng và phát triển các mô hình trải nghiệm làng quê. Định hướng quy hoạch và xây dựng các mô hình thăm quan, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu như: mô hình tỏi một nhánh (xã Xuân Lai); mô hình trồng rau thủy canh (xã Bình Dương); mô hình nuôi cá lồng (xã Song Giang, xã Cao Đức); mô hình rượu nếp (xã Nhân Thắng); mô hình rượu Cuốc lủi (xã Quỳnh Phú); mô hình các sản phẩm dược liệu của công ty Việt Kết (xã Thái Bảo),… Dự kiến quy mô xây dựng khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp khoảng 1-3 ha/điểm. Bên cạnh đó, những sản phẩm thủ công độc đáo từ các làng nghề truyền thống, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu cuộc sống người dân làng nghề; tìm hiểu quy trình sản xuất ra từng sản phẩm; thưởng thức đặc sản địa phương; mua sắm sản phẩm làng nghề,…và đặc biệt được trải nghiệm tự làm đồ lưu niệm.

Để làm được những điều đó, Gia Bình định hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng của địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch.

Với quyết tâm, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp, tin tưởng rằng du lịch Gia Bình sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn về huyện và là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong tương lai.

Đọc thêm: Bản đồ quy hoạch huyện Gia Bình Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/bac-ninh-khai-mo-tiem-nang-du-lich-gia-binh-221771.html

Bình luận