fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY Nhà Đất » Quy hoạch » Bản đồ quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Bản đồ quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Bản đồ quy hoạch huyện Gia Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng xây dựng huyện Gia Bình thành một khu vực phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại & dịch vụ du lịch của vùng phía Nam sống Đuống.

Đồ án quy hoạch Gia Bình này được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt bằng quyết định 624/QĐ-UBND ngày 25/12/2020.

Đọc thêm: Bản đồ quy hoạch đô thị Nhân Thắng (phố Ngụ), Gia Bình, Bắc Ninh

Pham vi lập quy hoạch

– Huyện Gia Bình có diện tích tự nhiên là 10.759,02 ha, dân số trung bình đến năm 2019 là 103.781 người (số liệu được điều chỉnh từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), với 14 đơn vị hành chính bao gồm thị trấn Gia Bình và 13 xã;

– Ranh giới nghiên cứu quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện Gia Bình trong tổng thể vùng tỉnh Bắc Ninh với phạm vi nghiên cứu là 10.759,02 ha.

Giai đoạn lập quy hoạch

Giai đoạn ngắn hạn: đến năm 2025.

Giai đoạn dài hạn: đến năm 2035.

Tầm nhìn: đến năm 2050.

Đọc thêm: Bắc Ninh: Mua căn nhà phố hơn 6 tỷ ai cũng chê đắt, hơn 3 năm sau, giá tăng thành 18 tỷ

Bản đồ hiện trạng phân bố dân cư & sử dụng đất ở Gia Bình – Bắc Ninh

Bản đồ hiện trạng phân bố dân cư & sử dụng đất ở Gia Bình - Bắc Ninh
Bản đồ hiện trạng phân bố dân cư & sử dụng đất ở Gia Bình – Bắc Ninh

Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng Gia Bình – Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2050

Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng Gia Bình - Bắc Ninh
Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng Gia Bình – Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2050

Theo bản đồ quy hoạch phát triển không gian vùng Gia Bình bên trên, ta sẽ thấy huyện Gia Bình trong tương lai bên cạnh một đô thị duy nhất hiện tại là thị trấn Gia Bình thì còn có thêm đô thị Nhân Thắng & đô thị Cao Đức. Huyện Gia Bình cũng sẽ có hai khu công nghiệp là KCN Gia Bình 1 (cạnh thị trấn Gia Bình) & KCN Gia Bình 2 (cạnh Quốc lộ 17, qua cầu Bình Than là ra QL 18 kết nối rất thuận tiện)

Cấu trúc phát triển

Theo hành lang phát triển dọc QL17 và ĐT.282B gắn kết các đô thị Gia Bình (đô thị trung tâm), đô thị Nhân Thắng, đô thị Cao Đức, kết nối phía Tây (huyện Thuận Thành đô thị loại IV) với phía Bắc là huyện Quế Võ (quận Quế Võ); tuyến đường ĐT.282B và QL17 là các tuyến đường đóng vai trò kết nối với các vùng kinh tế phía Bắc sông Đuống của tỉnh.

Định hướng phát triển không gian vùng

Chọn phương án phát triển theo hành lang, chia thành ba vùng:

+ Vùng phát triển đô thị và công nghiệp dọc theo đường QL.17 và ĐT.282B gồm các đô thị Gia Bình, Nhân Thắng, Cao Đức, trọng tâm là phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

+ Vùng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa tâm linh dọc hành lang sông Đuống.

+ Vùng  phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái là các xã còn lại.

Quy hoạch hệ thống đô thị

– Về tính chất quy hoạch:

+ Đô thị Gia Bình (thị trấn Gia Bình mở rộng và xã Đông Cứu): Diện tích 11,03km2; dân số năm 2025 khoảng 19.000 – 20.000 người, đến năm 2035 khoảng 30.000 – 35.000 người. Tính chất chức năng: Là đô thị huyện lỵ, trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao của huyện Gia Bình, là một trong những điểm du lịch văn hóa, lịch sử, “du lịch, văn hóa, làng nghề và sinh thái” sông Đuống, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

+ Đô thị Nhân Thắng: Diện tích 8,18km2; dân số năm 2025 khoảng 9.000 – 9.500 người, đến năm 2035 khoảng 15.000 – 18.000 người. Tính chất chức năng: Là đô thị dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp.

+ Đô thị Cao Đức: Diện tích 11,47 km2; dân số năm 2025 khoảng 6.000 – 6.300 người, đến năm 2035 khoảng 7.500 – 9.500 người. Tính chất chức năng: Là đô thị dịch vụ và du lịch tâm linh.

Quy hoạch hệ thống điểm dân cư nông thôn

– Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu vực trung tâm xã, khu dân cư hiện hữu và xây dựng mới hệ thống các điểm dân cư nông thôn. Phấn đấu xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

– Bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, cảnh quan sinh thái tự nhiên, bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, xác định danh mục các công trình, đối tượng, không gian cần bảo tồn để có biện pháp ứng xử phù hợp.

– Điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn các xã cho phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện làm cơ sở quản lý, kiểm soát chặt chẽ mật độ xây dựng, tầng cao công trình, kiến trúc công trình và bảo vệ môi trường cảnh quan khu vực nông thôn; kiểm soát việc đô thị hóa tự phát, hình thức kiến trúc không phù hợp làm phá vỡ cảnh quan và môi trường khu vực nông thôn; thực hiện bảo tồn các không gian làng ở nông thôn và đô thị.

Các khu vực kiểm soát đặc biệt

– Các khu vực hành lang thoát lũ sông Đuống: Thực hiện theo quy hoạch, xác định cụ thể ranh giới thoát lũ, vị trí các tuyến đê và quy định cụ thể hoạt động xây dựng theo từng khu vực.

– Các khu di tích văn hóa lịch sử quan trọng: Lập danh mục cụ thể, xác định các giá trị và quy định ranh giới bảo tồn làm cơ sở định hướng cho hoạt động xây dựng, bảo vệ các di tích theo Luật Di sản văn hóa.

– Các khu vực cảnh quan sông Đuống: Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về Đê điều; đối với vùng đất ngoài sông, chủ yếu phát triển các dự án nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khai thác không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên và các di tích lịch sử văn hóa.

– Khu vực an ninh, quốc phòng: Hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng các quỹ đất an ninh quốc phòng; việc đầu tư xây dựng phải được cơ quan thẩm quyền thống nhất theo quy định.

– Kiểm soát và cấm mọi hoạt động xây dựng xâm phạm đối với: Hành lang bảo vệ vùng thoát lũ; hành lang bảo vệ di tích văn hóa lịch sử; hành lang bảo vệ an toàn các tuyến hạ tầng kỹ thuật; hành lang dự trữ phát triển các tuyến hạ tầng; vùng cảnh quan sinh thái.

Quy hoạch các khu chức năng cấp vùng huyện

– Quy hoạch khu đô thị, dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp dọc tuyến đường QL.17 (nhà ở, thương mại dịch vụ, dịch vụ logistics, công cộng,….).

– Quy hoạch Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Xuân Lai, với quy mô khoảng 5ha tại vị trí đảm bảo khoảng cách đến khu dân cư, khu công cộng, nguồn nước theo quy định.

– Quy hoạch khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái tại khu vực bãi sông Đuống có quy mô khoảng 600 ha tại xã Thái Bảo – Vạn Ninh và xã Cao Đức.

– Quy hoạch cảng tại xã Cao Đức và xã Thái Bảo quy mô diện tích khoảng 10ha (giai đoạn dài hạn khoảng 20ha) gắn với dịch vụ logistics.

Hệ thống cơ sở sản xuất

– Công nghiệp:

 Tập trung hoàn thiện, phát triển hai khu công nghiệp tập trung là khu công nghiệp Gia Bình I và khu công nghiệp Gia Bình II theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, bổ sung mở rộng cụm công nghiệp Cao Đức – Vạn Ninh lên tổng diện tích khoảng 75ha, bổ sung mở rộng cụm công nghiệp Giang SơnSong Giang lên tổng diện tích khoảng 50ha trong giai đoạn dài hạn (đề nghị bổ sung vào quy hoạch tỉnh đối với hai cụm công nghiệp này).

– Thương mại dịch vụ và du lịch:

+ Thương mại: Ưu tiên phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ gắn với trung tâm các khu vực đô thị, các làng nghề, vùng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

+ Du lịch: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề (Đại Bái, Xuân Lai,…), vui chơi giải trí và du lịch văn hóa tâm linh (Lệ Chi Viên, Khu du lịch sinh thái Thiên Thai – đền thờ Lê Văn Thịnh,…) trọng tâm phát triển theo dọc hành lang sông Đuống (công viên cây xanh và kết hợp vui chơi giải trí) phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng cho người dân và phát triển kinh tế, tạo cảnh quan môi trường.

Quy hoạch khu vực phát triển nông nghiệp

Quy hoạch các vùng kinh tế nông nghiệp, ưu tiên nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, cụ thể như sau:

– Vùng sản xuất cây trồng tập trung, nuôi trồng thủy sản được quy hoạch tại các xã Song Giang, Giang Sơn, Đại Lai, Xuân Lai, Quỳnh Phú, Bình Dương, Cao Đức, Thái Bảo, Bình Dương và Vạn Ninh; vùng nuôi cá lồng trên sông tại xã Song Giang và xã Cao Đức;

– Vùng chăn nuôi tập trung được quy hoạch tại các xã: Giang Sơn, Đại Lai.

Hệ thống hạ tầng xã hội

– Công sở, trụ sở làm việc:

Trung tâm hành chính – chính trị cấp huyện tại thị trấn Gia Bình theo quy hoạch chung đô thị Gia Bình và trung tâm hành chính – chính trị cấp xã, cấp thị trấn theo quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn theo hướng xây dựng các tòa nhà liên cơ quan.

– Nhà ở:

+ Định hướng đến năm 2025: Nhà ở khu vực đô thị đạt khoảng 31m2/người, nhà ở khu vực nông thôn khoảng 28m2/người; đến năm 2035, nhà ở khu vực đô thị khoảng 35 – 37 m2/người, nhà ở khu vực nông thôn khoảng 30 – 32 m2/người.

+ Phát triển các dự án đầu tư khu nhà ở, khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; quy hoạch nhà ở xã hội tại khu vực KCN Gia Bình I, II để phục vụ nhu cầu của người lao động trong tương lai.

– Hệ thống giáo dục đào tạo và dạy nghề:

+ Tiếp tục duy trì và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống trường đào tạo nghề và trường học hiện có.

+ Quy hoạch mới 01 trường THPT tại xã Vạn Ninh phục vụ cho khu vực phía Đông của huyện (khu vực: Bình Dương, Cao Đức, Vạn Ninh, Thái Bảo).

+ Quy hoạch Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề tại vị trí mới.

+ Khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường học các cấp ngoài công lập ở những khu vực đông dân cư, có nhu cầu phát triển theo hình thức xã hội hóa.

– Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Tiếp tục duy trì và cải tạo, nâng cấp Trung tâm y tế huyện với quy mô 250 – 300 giường, các trạm y tế xã với quy mô 50 giường bệnh; quy hoạch mới đất công trình y tế cấp đô thị tại Đô thị Nhân Thắng và đô thị Cao Đức để thu đầu tư ngoài công lập để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

– Công trình thiết chế văn hóa, thể thao, công viên cây xanh, mặt nước:

+ Quy hoạch trung tâm văn hoá – thể dục thể thao cấp vùng huyện tại thị trấn Gia Bình (phía Bắc ĐT.282B) với diện tích khoảng 10ha. Quy hoạch mới 01 trung tâm văn hoá – thể dục thể thao cấp vùng huyện tại đô thị phía Đông của huyện quy mô khoảng 8,0ha tại xã Cao Đức.

+ Đảm bảo mỗi xã đều có một nhà văn hóa và trung tâm thể dục thể thao cấp xã; mỗi thôn đều có một nhà văn hóa, khu thể dục thể thao theo quy hoạch chung xây dựng nông thôn.

+ Cải tạo, chỉnh trang các điểm di tích lịch sử tiêu biểu (đình, đền, chùa, miếu,…) đặc biệt là Đền thờ Lê Văn Thịnh; quần thể di tích Lệ Chi Viên; Đền và Lăng Cao Lỗ Vương; Đền Tam Phủ…

+ Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh kết hợp vui chơi giải trí dọc theo sông Đuống… đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng cộng của người dân và phát triển kinh tế, tạo cảnh quan môi trường; các vùng kinh tế nông nghiệp tạo thành bộ khung thiên nhiên, cân bằng sinh thái, đạt chỉ tiêu cây xanh tối đa.

Định hướng phát triển các hành lang xanh, nêm xanh, vành đai xanh

Hình thành các hành lang xanh gắn với sông Đuống, sông Ngụ…; Các không gian xanh được hình thành gắn với thực hiện bảo tồn các khu vực di sản, cung cấp các dịch vụ sinh thái cho đô thị và tạo môi trường cảnh quan cho đô thị. Giải pháp thiết kế cụ thể của từng khu vực được thực hiện theo đồ án quy hoạch riêng gắn với thực trạng cụ thể của từng khu vực.

Bản đồ quy hoạch giao thông Gia Bình – Bắc Ninh tới 2035, tầm nhìn 2050

Bản đồ quy hoạch giao thông Gia Bình - Bắc Ninh
Bản đồ quy hoạch giao thông Gia Bình – Bắc Ninh tới 2035, tầm nhìn 2050

Tận dụng cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, phát huy tối đa về lợi thế của huyện, tập trung cải tạo, nâng cấp kết hợp xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ; phát triển hệ thống giao thông công cộng đa dạng.

Giao thông đường bộ

Quy hoạch mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống các tuyến đường giao thông từ quốc lộ đến đường huyện, các tuyến đường trục chính đô thị gồm:

– QL.17 có mặt cắt ngang điển hình là 42,0m = lòng đường rộng 2×10,5m, hè đường rộng 2×8,0m, dải phân cách giữa rộng 5,0m, bố trí các tuyến đường gom đối với các khu chức năng, khu đô thị để hạn chế giao cắt trực tiếp với đường quốc lộ. Quy hoạch mới tuyến đường  tránh QL.17 kết nối từ huyện Thuận Thành qua huyện Gia Bình với mặt cắt ngang điển hình rộng 40,0m = (hè đường rộng  2x8m, lòng đường rộng 2×10,5m, dải phân cách giữa rộng 3,0m);

– Các tuyến đường tỉnh qua địa bàn huyện Gia Bình kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị, trung tâm xã với trung tâm đô thị Bắc Ninh và với các vùng lân cận, gồm các tuyến ĐT.279, ĐT.280, ĐT.282B, ĐT.284, ĐT.285, ĐT.285B, với quy mô mặt cắt ngang điển hình như sau:

+ ĐT.279 có mặt cắt ngang điển hình 38m = 2×10,5m (lòng đường) + 2×6,0m (hè đường) + 5m (dải phân cách giữa);

+ ĐT.280 có mặt cắt ngang điển hình 38m = 2×10,5m (lòng đường) + 2×7,5m (hè đường) + 2m (dải phân cách giữa);

+ ĐT.282B có mặt cắt ngang điển hình 56m = 2x15m (lòng đường) + 2x5m (hè đường) + 16m (kênh và bờ kênh đối với đoạn đi dọc kênh thủy lợi);

+ ĐT.284 và ĐT.285 có mặt cắt ngang điển hình từ 22,5m (10,5m + 2x6m) đến 27m (15m + 2x6m);

+ ĐT.285B có mặt cắt ngang điển hình 56,5m = 2×11,25m (lòng đường chính) + 2x3m (dải phân cách phụ) + 2×7,5m (lòng đường gom) + 2x6m (hè đường) + 3m (dải phân cách giữa).

– Các tuyến đường chính đô thị, kết hợp với hệ thống các tuyến đường tỉnh và các quảng trường đô thị, công viên cây xanh tạo thành các trục cảnh quan, điểm nhấn cho đô thị, có mặt cắt ngang theo quy hoạch chung đô thị được duyệt, đảm bảo yêu cầu giao thông lâu dài;

– Hệ thống các tuyến đường huyện (có tính chất liên khu vực) kết nối giữa các khu vực đô thị, các khu vực nông thôn với nhau và với mạng lưới đường tỉnh, đường quốc lộ xung quanh; có mặt cắt ngang điển hình đáp ứng nhu cầu vận tải của địa phương, lòng đường rộng tối thiểu 4 làn xe tiêu chuẩn.

Giao thông đường thủy

– Giao thông đường thủy: Khai thác tuyến vận tải, du lịch đường thủy trên Sông Đuống, phát triển cảng Thái Bảo, cảng Cao Đức,… kết nối mạng lưới giao thông vận tải hàng hóa đường thủy từ tỉnh Bắc Ninh với các cụm cảng biển nước sâu tại khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, tạo động lực để phát triển cho khu vực đô thị Gia Bình, Nhân Thắng, Cao Đức và khu vực ven sông Đuống, sông Thái Bình,…

– Bến thuyền du lịch: Đề xuất hệ thống bến thuyền dọc bên sông Đuống để khai thác giao thông và du lịch đường sông.

Hệ thống giao thông công cộng

Tiếp tục nâng cấp các tuyến xe buýt liên huyện hiện có và quy hoạch mới các tuyến xe buýt liên tỉnh Bắc Ninh – Hải Dương và các tuyến xe buýt nội vùng kết nối các đô thị Gia Bình, Nhân Thắng, Cao Đức, kết nối với đô thị Phố Mới (Quế Võ), đô thị Thứa, Trung Kênh (Lương Tài), Hồ (Thuận Thành), thành phố Bắc Ninh, …

Hệ thống giao thông tĩnh

– Bến xe cấp huyện: Đề xuất quy hoạch hai bến xe cấp huyện tại các khu vực xã Đại Bái và xã Bình Dương, với quy mô từ 5 – 7ha/bến;

– Bãi đỗ xe tập trung: Quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe tập trung tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, xã, thôn với diện tích đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài.

Tải file thuyết minh đề án quy hoạch Gia Bình

Xem chi tiết quyết định 624 của UBND tỉnh Bắc Ninh và mô tả thực trạng, định hướng phát triển chi tiết tại đây

Đọc thêm: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình – Nền tảng thu hút các nguồn lực đầu tư

Nguồn: http://quyhoach.xaydung.gov.vn/vn/quy-hoach/7895/quy-hoach-xay-dung-vung-huyen-gia-binh-den-nam-2035–tam-nhin-den-nam-2050.aspx

Bình luận