fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY Nhà Đất » Quy hoạch » Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình – Nền tảng thu hút các nguồn lực đầu tư

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình – Nền tảng thu hút các nguồn lực đầu tư

Để quản lý không gian đô thị – nông thôn, phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ – du lịch, sản xuất nông nghiệp.. gắn với việc gìn giữ các giá trị truyền thống, huyện Gia Bình phối hợp với các sở, ngành chức năng tiến hành lập Quy hoạch (QH) xây dựng vùng huyện đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc trung tâm huyện Gia Bình. Hình minh hoạ

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, phạm vi nghiên cứu quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện với diện tích tự nhiên hơn 10.759 ha, bao gồm thị trấn Gia Bình và 13 xã. Việc quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình sẽ góp phần cung cấp thông tin để triển khai các quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, các dự án đầu tư và thực hiện quy hoạch xây dựng Nông thôn mới. Trước khi thực hiện QH xây dựng vùng huyện, địa phương hoàn thành lập đồ án quy hoạch chung đô thị Nhân Thắng; quy hoạch phân khu trung tâm đô thị Nhân Thắng; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Gia Bình. Ngoài ra, huyện còn lập đề án công nhận đô thị Nhân Thắng là đô thị loại V; điều chỉnh các đồ án QH chung Nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung QH xây dựng Nông thôn mới, hình thành các khu đô thị, khu dân cư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị, gần đây địa phương đầu tư hơn 75 tỷ đồng xây dựng Đài tưởng niệm các AHLS, Khu liên hiệp thể thao huyện, hồ điều hòa, hệ thống vườn hoa, hệ thống chiếu sáng… tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đây là những nền tảng quan trọng để huyện triển khai QH xây dựng vùng huyện.

Theo quy hoạch Vùng tỉnh Bắc Ninh, Gia Bình là ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao – sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Vì thế, huyện xác định, mô hình phát triển không gian vùng đa cực tập trung lấy thị trấn Gia Bình làm hạt nhân bên cạnh hai đô thị mới Nhân Thắng và Cao Đức. Các cực phát triển kinh tế gồm: Thị trấn Gia Bình (trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục – thể thao), đô thị Nhân Thắng (là đô thị dịch vụ phục vụ KCN); đô thị Cao Đức (là đô thị dịch vụ và du lịch tâm linh). Đồ án QH đề xuất 4 hành lang phát triển kinh tế gồm: Hành lang phát triển đô thị, dịch vụ và công nghiệp dọc theo QL17, đường tỉnh 282B, đường tỉnh 280 và đường tỉnh 279; hành lang phát triển nông nghiệp sạch, vui chơi giải trí và du lịch tâm linh dọc theo sông Đuống từ xã Đại Lai đến hết Cao Đức; khu vực phát triển nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở các xã Giang Sơn, Song Giang, Xuân Lai và xã Đại Lai…

Đọc thêm: Đầu tư hơn 426 tỷ đồng xây dựng đường tỉnh 282B đoạn từ thị trấn Gia Bình đi huyện Thuận Thành

Theo các chuyên gia QH, địa phương cần phát triển không gian huyện theo hướng xây dựng tập trung vào khu vực đô thị và 2 KCN Gia Bình I và II. Các khu vực nông thôn phát triển theo cấu trúc hiện hữu là bám dọc các tuyến đường liên xã, liên huyện và các cụm làng; bảo vệ các không gian kiến trúc, các làng xóm truyền thống để tạo nên hình ảnh đặc trưng cho kiến trúc vùng huyện. Các tuyến không gian quan trọng gồm QL17 đoạn từ xã Đại Bái qua thị trấn đi Bình Dương hướng đi QL 18, TL 282B đoạn qua Đông Cứu, thị trấn Gia Bình kết nối với QL 17 hướng đi Quế Võ. Hoàn thiện đầu tư và khai thác có hiệu quả các KCN theo quy hoạch: KCN Gia Bình I, II; cụm công nghiệp Đại Bái, Cao Đức – Vạn Ninh, Song Giang – Giang Sơn, Xuân Lai. Về thương mại – dịch vụ, du lịch, ưu tiên phát triển các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ gắn với trung tâm các khu đô thị, làng nghề. QH huyện thành trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm và các khu di tích văn hóa lịch sử quan trọng (Đền Lê Văn Thịnh, khu di tích Lệ Chi Viên, đền Tam Phủ, bến Bình Than…). QH vùng sản xuất cây trồng tập trung, nuôi trồng thủy sản tại các xã Song Giang, Giang Sơn, Đại Lai, Xuân Lai, Quỳnh Phú, Bình Dương, Cao Đức và Vạn Ninh; vùng chăn nuôi tập trung tại các xã Nhân Thắng, Bình Dương, Giang Sơn, Đại Lai, Thái Bảo, Vạn Ninh, Cao Đức… Trong quá trình phát triển, địa phương cần quan tâm hình thành các hành lang xanh gắn với sông Đuống, sông Ngụ. Các vành đai xanh bao quanh các khu vực đô thị để giới hạn sự phát triển lan tỏa tự phát của các đô thị và bảo tồn các khu vực di sản, cung cấp các dịch vụ sinh thái cho đô thị.

Đọc thêm: Bắc Ninh duyệt đồ án quy hoạch phân khu KCN quy mô hơn 260 ha ở Gia Bình

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế, đô thị việc quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình là cần thiết. Khi được các cấp, ngành thẩm định, phê duyệt đồ án là căn cứ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/vi/web/bbn/chi-tiet-giao-thong-xay-dung/-/details/20182/quy-hoach-xay-dung-vung-huyen-gia-binh-nen-tang-thu-hut-cac-nguon-luc-au-tu

0/5 (0 Reviews)

Bình luận