fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY Nhà Đất » Tin Cơ sở Hạ tầng » Hạ tầng – giao thông Bắc Ninh đón đầu nhịp phát triển

Hạ tầng – giao thông Bắc Ninh đón đầu nhịp phát triển

Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian qua, cùng với triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã và đang dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN).

Qua đó, giúp giảm tải lưu lượng giao thông tại các “điểm nóng”; đồng thời, tạo liên kết vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo tiền đề thu hút thêm nhiều dự án hạ tầng các KCN đón “sóng đầu tư”, đón đầu nhịp phát triển.

Đọc thêm: Bắc Ninh: Kết nối giao thông tạo đà phát triển kinh tế – xã hội

Động lực phát triển từ các tuyến giao thông

Với lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giáp Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông là vấn đề cốt lõi để “đi tắt, đón đầu” thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm xây dựng các công trình giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương, các tỉnh, thành phố lân cận. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm ngành GTVT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025, trong 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư công lớn trên lĩnh vực hạ tầng giao thông nhằm tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong đó, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư các công trình có vai trò động lực như: cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành và tuyến đường nối từ QL1 qua cầu Phật Tích sang QL17; Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt bao gồm: Đầu tư xây dựng đường ĐT.285B (đoạn từ ĐT.295, xã Đông Tiến đến QL.3 mới huyện Yên Phong) và Nút giao hoàn chỉnh nối ĐT.285B với QL.3 mới; Đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương; Đầu tư các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3 mới, ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4; Đầu tư xây dựng mở rộng cầu Hồ; Đầu tư xây dựng cầu Chì….

Các tuyến giao thông trong tỉnh được phát triển đồng bộ, hiện đại.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nguyễn Minh Hiếu cho rằng thành công trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp khiến cho lưu lượng phương tiện tham gia giao thông một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh chóng, hình thành một số “điểm nóng” giao thông. Vì thế, hạ tầng giao thông cần theo kịp tốc độ phát triển để đảm bảo tính đồng bộ trong các lĩnh vực. Đơn cử, tại điểm giao thông cầu Hồ (kết nối huyện Thuận Thành và Tiên Du), do lưu lượng giao thông hàng ngày quá cao, đặc biệt vào giờ cao điểm khiến nơi đây thường xuyên xảy ra ùn tắc, làm giảm nhịp độ giao thông, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân. Do đó, việc xây dựng đầu tư dự án mở rộng cầu Hồ là việc làm cấp bách mà tỉnh đang khẩn trương tiến hành. Hay như dự án xây dựng Đường ĐT.285B (đoạn từ ĐT.295 xã Đông Tiến đến QL.3 mới huyện Yên Phong) và Nút giao hoàn chỉnh nối ĐT.285B với QL.3 mới… nhằm kết nối các vùng trong tỉnh, kết nối tạo không gian phát triển, vành đai liên thông các khu công nghiệp. Đồng thời, thực hiện cam kết với nhà đầu tư công ty Công nghệ Amkor khi doanh nghiệp này quyết định đầu tư dự án 1,6 tỷ USD sản xuất vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong 2-C

Cùng với hạ tầng giao thông, để tạo đà cho bứt phá, tỉnh tích cực vận động, khuyến khích các DN hoạt động trong các ngành điện lực, viễn thông… đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, hệ thống lưới điện từ cao áp đến lưới trung áp, lưới hạ áp được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hạ tầng hệ thống điện được đầu tư đồng bộ đến tận hàng rào các khu, CCN, sẵn sàng cung cấp điện cho DN. Các dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông được cung cấp bởi các nhà cung cấp là các tập đoàn lớn như: VNPT, Viettel, FPT… đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng của người dân, DN…

Gỡ nút thắt mặt bằng

Đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, “bài toán” giải phóng mặt bằng còn trở nên “hóc búa” hơn, bởi các dự án giao thông thường có diện tích đất giải phóng mặt bằng rất lớn, đi qua nhiều địa phương, nhiều loại hình đất đai… Thực tế, những năm qua, nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh chậm tiến độ do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, cùng với việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho các công trình, UBND tỉnh, ngành GTVT và các địa phương cũng đưa ra các giải pháp để nâng cao công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ GPMB và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Trong đó, công tác GPMB được đặt biệt chú trọng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các địa phương thường xuyên tuyên truyền, đối thoại, giải đáp cặn kẽ những thắc mắc liên quan, giúp các hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng; phối hợp chặt chẽ Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xác định đúng nguồn gốc, mục đích sử dụng đất; trường hợp cần thiết củng cố hồ sơ, thủ tục cưỡng chế thu hồi hoặc bảo vệ thi công để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý trật tự xây dựng sau quy hoạch, không để người dân tự ý xây dựng công trình trái phép nhằm trục lợi kinh phí bồi thường; thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác GPMB. Ngay khi tiếp nhận vướng mắc liên quan, Hội đồng GPMB các địa phương cần xem xét chặt chẽ, thấu đáo, đưa ra biện pháp giải quyết đúng, hiệu quả, tránh để lại thiếu sót làm mất lòng tin của người dân, tạo thuận lợi thực hiện các dự án giao thông.

Khi các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật khác hoàn thành sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển kinh tế – xã hội nói chung, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị hiện đại của mảnh đất Kinh Bắc và xứng đáng là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong Vùng Thủ đô, động lực thúc đẩy Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển.

Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-giao-thong-xay-dung/-/details/20182/-on-au-nhip-phat-trien

Bình luận