fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY Nhà Đất » Thị trường Bất động sản » Bất động sản công nghiệp Hải Dương tìm hướng đi riêng

Bất động sản công nghiệp Hải Dương tìm hướng đi riêng

Nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, bất động sản Hải Dương chịu sức ép cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, từ sức ép đó, địa phương này đã tìm một hướng đi riêng là phát triển công nghiệp phụ trợ.

bất động sản công nghiệp của Hải Dương
Với chính sách thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư tốt, nên tiềm năng bất động sản công nghiệp của Hải Dương vẫn rất lớn.

Đọc thêm: Ưu tiên đầu tư dự án trọng điểm cho vùng Thủ đô (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…)

Tiếp tục thêm nguồn cung

Theo báo cáo mới nhất của CBRE, thời điểm quý III/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính miền Bắc, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 ha. Trong đó, đất công nghiệp cho thuê là 9.600 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình là 78%. Riêng các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%.

Trong nhóm này, Hải Dương đang là địa phương có kế hoạch mở rộng quỹ đất công nghiệp lớn nhất. Phần lớn đất công nghiệp còn trống, có kế hoạch mở rộng hay xây mới đều có vị trí chiến lược, nằm sát các trục giao thông chính đi qua địa bàn tỉnh.

Thêm một yếu tố nữa làm tăng tính hấp dẫn của các khu công nghiệp tại Hải Dương là địa phương này nằm trên Hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đồng thời, Hải Dương kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh thành tam giác trọng điểm kinh tế khu vực phía Đông của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, được thụ hưởng hệ thống giao thông liên vùng hoàn chỉnh gồm cả đường sắt, quốc lộ, cao tốc và gần các sân bay lớn là Nội Bài và Cát Bi.

Cùng với đó là chính sách thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư tốt, nên tiềm năng bất động sản công nghiệp của Hải Dương vẫn rất lớn. “Giai đoạn 2020-2025, Hải Dương tiếp tục thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tỉnh tiếp tục quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng từ 3 – 5 khu công nghiệp, 7 – 10 cụm công nghiệp mới”, ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương cho biết.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, hiện có nhiều huyện, thành phố, thị xã đã có văn bản xin bổ sung tổng cộng trên 50 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích lên tới trên 3.000 ha. Nhiều cụm công nghiệp trong số đó đã có nhà đầu tư xin làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một trong những nhà đầu tư mới đang rất hào hứng với thị trường bất động sản công nghiệp Hải Dương là Tập đoàn Nhựa Xanh An Phát. Sau hơn một năm đầu tư kinh doanh khu công nghiệp đầu tiên có tên An Phát Complex (vốn là Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark được mua lại với giá gần 800 tỷ đồng), nhà đầu tư này tiếp tục đầu tư thêm một khu công nghiệp nữa có tên là Quốc Tuấn An Bình tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

“Ăn theo” ngành công nghiệp phụ trợ

Vị trí địa lý nằm giữa Hà Nội – Hải Phòng là hạn chế của Hải Dương khi phải cạnh tranh với 2 địa phương trọng điểm về thu hút dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp. Tuy nhiên, Hải Dương đã tìm ra lợi thế của mình khi nằm giữa 2 trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc này.

Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng đều đã có những nhà đầu tư thứ cấp là các tập đoàn công nghiệp lớn có quy mô toàn cầu như Samsung, LG. Theo sau các tập đoàn này, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong chuỗi phụ trợ của họ.

Đọc thêm: Bất động sản công nghiệp: Đại gia đổ đến, quỹ đất cạn dần, đua nhau tăng giá

Song với Hải Dương, dù sẽ có thêm nguồn cung bất động sản công nghiệp mới trong thời gian tới, nhưng quy mô không thể sánh được với Hải Phòng, nên khó có thể nằm trong danh sách điểm đến đầu tư của những thương hiệu lớn. Với giá thuê bất động sản công nghiệp nằm trong top thấp của miền Bắc (chỉ cao hơn Vĩnh Phúc), địa phương này rất phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ và vừa, với các dự án không cần quỹ đất lớn. Mặt khác, do có vị trí gần với Hà Nội, nên Hải Dương dễ hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về định hướng phát triển, tỉnh này đã xác định, trong giai đoạn tới, sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chuỗi giá trị. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp sản xuất lắp ráp máy móc, ô tô, điện – điện tử… đang được đầu tư phát triển mạnh và đây sẽ là thị trường hạ nguồn rất lớn, đa dạng cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

“Vậy nên, những nhà đầu tư nhỏ và vừa nằm trong chuỗi phụ trợ của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước sẽ là đối tượng được các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Dương hướng đến cho giai đoạn phát triển tới”, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An nhận định.

Có thể bạn quan tâm: Top 5 Spa Hải Dương Uy tín, Chất lượng

Nguồn: https://dautubds.baodautu.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-hai-duong-tim-huong-di-rieng-d132465.html

Bình luận