fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY Nhà Đất » Chính sách » Bắc Ninh an cư lạc nghiệp cho lao động ngoại tỉnh

Bắc Ninh an cư lạc nghiệp cho lao động ngoại tỉnh

Bắc Ninh có 10 KCN đã đi vào hoạt động, sử dụng 352.751 công nhân lao động. Trong đó gần 150 nghìn công nhân ngoại tỉnh đang lưu trú trên địa bàn tỉnh. Hiện có khoảng 70.000 lao động đang thuê trọ trong khu dân cư khiến vấn đề bảo đảm về hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường, văn hóa – y tế – giáo dục – an ninh trật tự… khó mà “an cư lạc nghiệp”, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của tỉnh.

Đọc thêm: Bắc Ninh xử phạt một chủ đầu tư nhà ở xã hội ở Tp. Từ Sơn 640 triệu đồng

nhà ở xã hội vân dương bắc ninh
Hình minh hoạ

Cả nước hiện có hơn 75% trong tổng số gần 3 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất là lao động ngoài địa phương. Trong đó, chỉ có 7-10% lao động được ở trong các khu nhà ở tập trung được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc ngân sách doanh nghiệp, còn lại hơn 90% lao động phải tự thu xếp và thuê nhà ở. Việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cũng như yêu cầu đặt ra.

Bắc Ninh có 10 KCN đã đi vào hoạt động, sử dụng 352.751 công nhân lao động. Trong đó gần 150 nghìn công nhân ngoại tỉnh đang lưu trú trên địa bàn tỉnh. Số công nhân ở tại các khu nhà ở công nhân tập trung theo dự án chỉ có 39.282 người, tương đương khoảng 26,19%. Hiện có khoảng 70.000 lao động đang thuê trọ trong khu dân cư. Tình trạng công nhân lao động phải thuê ở trọ trong các khu dân cư không bảo đảm về hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường, thiếu các thiết chế văn hóa, phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự… khó mà “an cư lạc nghiệp”, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững.

Để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân, hiện 21 dự án đã và đang triển khai trên toàn tỉnh với 29.364 căn hộ, có 7 dự án đã hoàn thành và hoàn thành 1 phần, tương đương với 5.252 căn hộ. So với tổng diện tích nhà ở hoàn thành theo dự án trong giai đoạn 2017-2022 thì diện tích nhà ở công nhân mới đạt khoảng 4,12%, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 75.374 người. Nhìn chung các dự án triển khai còn chậm so tốc độ tăng lên về số lượng người lao động hàng năm. Hệ thống hạ tầng xã hội như các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa – thể thao… chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của lao động trong KCN.

Tại Khoản 2 Điều 53 Luật Nhà ở xác định hình thức “Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê” là một hình thức phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong quy định của Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ không có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển nhà ở xã hội này. Theo quy định của Luật Nhà ở, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân bán, cho thuê mua còn chậm do đa số công nhân ngoài tỉnh nên việc cư trú không ổn định…, đây cũng là khó khăn do cơ chế trong xây dựng nhà ở xã hội của tỉnh hiện nay.

Giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh dự kiến phát triển khoảng 30.000 căn hộ, đáp ứng thêm chỗ ở cho khoảng 110.000 người; Giai đoạn 2026-2030, dự kiến phát triển thêm 50.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 150.000 người. Để thực hiện được kế hoạch đó, tỉnh đang tích cực khai thác, tận dụng gói hỗ trợ của Chính phủ, đây là nguồn lực giúp kích thích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của địa phương. Rà soát, quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Có những chính sách phù hợp, khuyến khích đầu tư cho xây dựng nhà ở cho công nhân. Quan tâm tính đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội như các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa – thể thao… đáp ứng nhu cầu lao động trong KCN. Có quy định thống nhất về các thủ tục mua nhà đối với người lao động, bảo đảm chặt chẽ nhưng cũng thông thoáng, không gây khó khăn cho những người có nhu cầu mua nhà thật sự. Tăng cường phối hợp với ngân hàng chính sách, các tổ chức tín dụng liên quan thông tin tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách hỗ trợ của trung ương; hỗ trợ các thủ tục hành chính liên quan đối với các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đọc thêm: Yên Phong: Duyệt quy hoạch khu nhà ở xã hội hơn 10h, 21 tầng tại xã Thụy Hòa

Để triển khai có hiệu quả chương trình nhà ở xã hội, ngoài sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay, góp sức, triển khai đồng bộ những quy định, chính sách về nhà ở xã hội. Người lao động cần nâng cao nhận thức trong công việc, gắn bó với đơn vị sản xuất, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương cũng như nơi làm việc. Phối kết hợp chặt chẽ với tổ chức cũng như tiếp cận chính sách ưu đãi về nhà ở cho người lao động, góp phần hiệu quả tích cực trong phát triển nhà ở xã hội, giúp người lao động “an cư lạc nghiệp”, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-ky-niem-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-cu-9-7-1912-9-7-2022-/-/details/20182/an-cu-lac-nghiep

Bình luận