BẮC NINH: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển hạ tầng của tỉnh trong thời gian tới là Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, tổng mức đầu tư dự kiến 85.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh có chiều dài khoảng 35,3 km thuộc địa phận 4 huyện, thành phố: Thuận Thành (18,5 km); Gia Bình (0,65km); Quế Võ 6,5km) và thành phố Bắc Ninh (9,7km) với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.274 tỷ đồng.
Đọc thêm: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh mới nhất
Để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ khởi công tuyến đường vào tháng 6-2023, tỉnh Bắc Ninh cùng thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên đang triển khai thực hiện dự án với tinh thần vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương. Đến nay, Bắc Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban. Mới đây, tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo đã khẳng định tầm quan trọng của dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 là công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng liên vùng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương giao chủ đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm về năng lực, nhân lực; thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng; điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp. Nghiên cứu, tham mưu cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án và quy hoạch về các nút giao, nhất là quy hoạch không gian phát triển đô thị xung quanh tuyến đường.
Trong tổng thể chung của dự án, các dự án giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên được coi là sự mở màn và cũng là khâu khó khăn nhất. Với tỉnh Bắc Ninh, đây là nhiệm vụ đòi hỏi quyết tâm cao, trước hết và trực tiếp là thành phố Bắc Ninh và các huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ. Với mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027, quỹ thời gian thực hiện dự án chỉ là 5 năm. Vì thế, mỗi địa phương đơn vị phải cố gắng rút ngắn tiến độ của từng phần việc được giao.
Thực tiễn cho thấy, đối với việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, tạo tiền đề để công trình hoàn thành đúng thời hạn. Mấu chốt để thành công trong việc triển khai đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Việc này đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền những địa phương có dự án đi qua phải làm hết lòng, hết sức và làm thật tốt ngay từ đầu theo phương châm công khai, minh bạch, đúng pháp luật, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách vì quyền lợi chính đáng của người dân. Bài học kinh nghiệm là phải phân công đúng người, đúng việc; kiểm soát tiến độ theo mốc thời gian, khối lượng cụ thể; giao ban từng tháng, từng tuần. Đặc biệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Khi có vấn đề phát sinh cần nhanh chóng làm rõ, kịp thời đối thoại với tổ chức, cá nhân liên quan với tinh thần cầu thị, vì lợi ích chung. Điều quan trọng là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc với quyết tâm cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dự án được triển khai, mở ra dư địa và không gian phát triển mới cho tỉnh.
Đọc thêm:
- Đường tránh Quốc lộ 38 – Thuận Thành: Quy hoạch, tiến độ xây dựng
- Đường tránh Quốc lộ 17 ở Bắc Ninh: Quy hoạch, vị trí, cập nhật tiến độ GPMB & xây dựng
Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-giao-thong-xay-dung/-/details/20182/du-an-lon-quyet-tam-cao