Bắc Ninh có nhiều lợi thế lớn để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics vì có vị trí địa lý thuận lợi, gần sân bay lớn, các tuyến đường cao tốc, đường sông đi các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và bản thân cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp.
Đọc thêm: Cảng cạn Tân cảng Quế Võ được bổ sung vào danh sách 10 cảng cạn VN Bộ GTVT mới công bố
Từ giữa năm 2021, dự án Cảng cạn ICD Tân Cảng Quế Võ được Bộ GTVT chính thức cấp phép hoạt động, trở thành dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng logistics của tỉnh. Dự án có quy mô 30 ha, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 6 triệu tấn/năm, nằm tại xã Đức Long (Quế Võ). Để đáp ứng cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường, ICD Tân cảng Quế Võ triển khai giải pháp logistics xanh, ổn định, bền vững, thân thiện với môi trường. Với việc sử dụng dịch vụ sà lan và làm thủ tục thông quan, giao nhận hàng hóa tại cảng sông gần KCN giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất do thời gian giao nhận ngắn hơn và giảm thiểu rủi ro đối với hàng hóa.
Đến trung tuần tháng 5 có hơn 20 khách hàng sử dụng dịch vụ thường xuyên và 6 hãng tàu hợp tác khai thác với gần 600 chuyến, sản lượng thông qua cảng đạt gần 20.000 Teu, làm cơ sở đa dạng hóa dịch vụ logistics trọn gói cho khách hàng. Dự kiến cuối năm 2023, Tân Cảng Quế Võ sẽ triển khai thêm 3ha xây kho CFS, bãi chứa container; phấn đấu đến năm 2025 sản lượng thông quan qua bến đạt hơn 522.000 Teu, doanh thu 660 tỷ đồng… trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Là tỉnh phát triển công nghiệp với 1.738 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 22,77 tỷ USD đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 1.500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt hơn 235.835 tỷ đồng, nhu cầu kho ngoại quan, vận chuyển hàng hóa của Bắc Ninh rất lớn. Ngoài ra, việc Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tạo động lực để hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng phát triển mạnh, giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Hiện, Bắc Ninh có hàng trăm mặt hàng công nghiệp được xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh vẫn đạt hơn 83,25 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 44,85 tỷ USD, tăng hơn 14,95% so với năm 2020, đứng thứ 2 toàn quốc…
Để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của các DN, tỉnh luôn ưu tiên, đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, thương mại- dịch vụ. Dự kiến, trong thời gian tới, bên cạnh hơn 50 doanh nghiệp đang hoạt động logistics trên địa bàn, tỉnh tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, trọng điểm là ký kết hợp tác, xây dựng và vận hành Trung tâm logistics thông minh cao tầng (smart logistics center) tại KCN Yên Phong II-A với Tập đoàn Mitsubishi Estate Vietnam và Công ty CTCP Western Pacific; thu hút đầu tư xây dựng khu cảng cạn và dịch vụ logistics diện tích khoảng 94,53ha, thuộc địa phận phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và xã Đông Phong (huyện Yên Phong)… Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là hệ thống kho, bãi cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics được xây dựng tập trung hiện đại, tối ưu chi phí vận tải, hậu cần. Sử dụng tiến bộ công nghệ trong quản lý và vận hành như: robot điều khiển bằng giọng nói, pin năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động logistics… để giảm chi phí, giúp khách hàng theo dõi, quản lý hành trình xuất nhập khẩu hàng hóa.
Để tạo động lực phát triển dịch vụ logistics, thời gian tới, ngoài phát triển hạ tầng logistics xung quanh tuyến đường sắt, đường cao tốc Hà Nội- Bắc Ninh- Lạng Sơn và Bắc Ninh – Nội Bài kết nối với QL3 mới và các tuyến sông, tỉnh tập trung ứng dụng CNTT, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics; đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian. Cùng với đó là đầu tư, nâng cấp các tuyến đường, nút giao thông đối ngoại, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, rút ngắn cự ly không gian, tạo nên “mắt xích” quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics theo hướng kết nối liên thông với các tỉnh, thành phố vùng thủ đô Hà Nội.
Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-giao-thong-xay-dung/-/details/20182/-ong-luc-phat-trien-dich-vu-logistics