Thuận Thành có vị trí thuận lợi trong vùng Nam Đuống, là điểm kết nối khu vực trung tâm của tỉnh với đô thị Gia Bình, Lương Tài.
Thị xã mới này có các tuyến Quốc lộ kết nối thuận lợi với tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội; hơn nữa đường Vành đai 4 chạy qua Thuận Thành với chiều dài gần 20km chuẩn bị đầu tư, cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành sắp hoàn thành sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và mở hướng phát triển kinh tế đô thị.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh đến năm 2030, Thuận Thành với diện tích hơn 11.783 ha được quy hoạch là vùng dịch vụ, công nghiệp. Hiện nay, Thuận Thành có 3 KCN (Thuận Thành I, II, III), 3 cụm công nghiệp nhỏ và vừa (Hà Mãn – Trí Quả, Xuân Lâm, Thanh Khương), 1 cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch tại xã Song Hồ… thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư. Về phát triển đô thị, năm 2020, Bộ Xây dựng công nhận đô thị Thuận Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đầu năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Thuận Thành. Địa phương hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai nhiều khu đô thị, công trình phúc lợi công cộng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thuận Thành…
Thị xã Thuận Thành có những chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý. Năm 2020 giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng đạt 11.027 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 50,6 triệu đồng/người/ năm. Năm 2021, tổng sản phẩm địa bàn huyện đạt 18.546 tỷ đồng; trong đó công nghiệp – xây dựng chiếm 76,63%, thương mại – dịch vụ chiếm 16,91%, nông – lâm – thủy sản chiếm 6,46%. Năm 2022, thu ngân sách địa phương (không tính giao thu từ đấu giá đất) hơn 1.781 tỷ đồng, đạt 139% kế hoạch; doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.159 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2021…
Kết quả trên cho thấy, Thị xã Thuận Thành có những bước thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành và từng bước điều chỉnh sự phát triển phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp, đô thị đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế đô thị vẫn còn hạn chế cần sớm khắc phục. Điển hình là việc thu hút đầu tư, hình thành động lực phát triển kinh tế đô thị chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Còn thiếu các dự án khu đô thị, phát triển nhà ở, sản xuất công nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tạo nhiều việc làm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng cấp đô thị chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu các tiện ích phát triển hệ thống thương mại – dịch vụ, khu vui chơi giải trí… cũng là những rào cản phát triển kinh tế – xã hội nói chung và kinh tế đô thị nói riêng.
Để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, với định hướng phát triển kinh tế đô thị là mũi nhọn, thị xã Thuận Thành đã xây dựng một số giải pháp phát triển công nghiệp gắn với đô thị. Trong đó, quan trọng nhất là việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, đầu tư theo định hướng chuyển dịch cơ cấu, phát triển đô thị, phát huy lợi thế của địa phương. Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, xây dựng khu liên hợp dịch vụ nông sản, chợ đầu mối nông sản Thuận Thành; hình thành các trung tâm tài chính, ngân hàng, khu giải trí, nghỉ dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao… Tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị Thuận Thành theo hướng khang trang, hiện đại, hướng đến tiêu chí đô thị thông minh. Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản các quy trình thủ tục, tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để xây dựng thị xã tương lai phát triển vững mạnh, xứng với tiềm năng – đô thị hạt nhân vùng Nam Đuống.