Sau khi thị trấn Hồ được công nhận là đô thị loại IV cuối năm 2020, huyện Thuận thành tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí trở thành Thị xã trong năm 2022.
Với mục tiêu trong năm 2022 phấn đấu trở thành thị xã, cấp uỷ, chính quyền huyện Thuận Thành làm tốt các kế hoạch từ nhiều năm nay như ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp. Trên cơ sở đó, huyện tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; phát triển sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt nhiệm vụ văn hoá – xã hội…
Theo đó, huyện Thuận Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tăng cường thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp, đô thị, mang lại diện mạo mới cho địa phương.
Cụ thể, trên địa bàn huyện có nhiều khu đô thị mới như: Đô thị mới phía Nam thị trấn Hồ; Khu đô thị Đức Việt, Trung Quý (xã Gia Đông); Khu đô thị An Bình; Khu đô thị Hồng Hạc (xã Xuân Lâm)… được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội trọng điểm được thi công và đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu cũng từng bước được đầu tư nâng cấp, tiêu biểu như: đường từ Âu Cơ đi QL38 (qua thôn Lẽ, thị trấn Hồ); đường Siêu Loại kéo dài; đường từ QL 38 đi TL276 (đoạn qua xã Gia Đông); đường tránh QL17; đường giao thông từ xã Trí Quả đi KCN Khai Sơn (đoạn qua xã Thanh Khương)… Hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, trạm xá, trụ sở các cơ quan huyện, thị trấn, xã được đầu tư đồng bộ.
Huyện Thuận Thành đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trên địa bàn huyện Thuận Thành tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đạt 9,90 km2 (KCN Thuận Thành I với điện tích 2,50 km2; KCN Thuận Thành II với diện tích 3,0 km2; KCN Thuận Thành III với diện tích 4,0 km2) và 3 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1,48 km2 (CCN Xuân Lâm 0,49 km2; CCN Thanh Khương 0,11 km2; CCN Hà Mãn – Trí Quả 0,75 km2) với các mặt hàng cơ khí lắp ráp, điện tử, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may và sản xuất hàng tiêu dùng,… tạo công ăn việc làm cho gần 60.000 lao động địa phương và các vùng lân cận. Trong đó, số lao động của huyện Thuận Thành chiếm gần 80% tổng số lao động trong các KCN.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện được đầu tư hiện đại, máy móc tự động hoá góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Trên địa bàn huyện Thuận Thành tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đạt 9,90 km2 (KCN Thuận Thành I với điện tích 2,50 km2; KCN Thuận Thành II với diện tích 3,0 km2; KCN Thuận Thành III với diện tích 4,0 km2) và 3 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1,48 km2 (CCN Xuân Lâm 0,49 km2; CCN Thanh Khương 0,11 km2; CCN Hà Mãn – Trí Quả 0,75 km2) với các mặt hàng cơ khí lắp ráp, điện tử, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may và sản xuất hàng tiêu dùng,… tạo công ăn việc làm cho gần 60.000 lao động địa phương và các vùng lân cận. Trong đó, số lao động của huyện Thuận Thành chiếm gần 80% tổng số lao động trong các KCN.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện được đầu tư hiện đại, máy móc tự động hoá góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của huyện trong 3 năm (2019 – 2021) đạt 9,35%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm (2019 – 2021) toàn tỉnh Bắc Ninh là 3,69%. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 18.546,45 tỷ đồng; trong đó: Ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 76,63%, ngành thương mại – dịch vụ chiếm 16,91%, ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 6,46%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 68,7 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với cả nước là 1,36 lần. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; công tác xoá đói giảm nghèo được quan tâm chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo trung bình giai đoạn (2019 – 2021) toàn huyện là 1,04%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm của toàn tỉnh Bắc Ninh (1,12%).
Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết, việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp, đô thị, mang lại diện mạo mới cho địa phương và là nền tảng quan trọng để huyện phát triển lên thị xã trong năm 2022.
Đồng thời, đây sẽ là động lực mạnh mẽ tăng cường thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện Thuận Thành bứt phá vươn lên, phát triển bền vững trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là tiền đề hướng tới hoàn thành nhiệm vụ đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Huyện Thuận Thành có 117,83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 199.577 người, có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Hồ và 17 xã.
Huyện Thuận Thành dự kiến thành lập 10 phường khi lên thị xã trên tổng số 18 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Hồ, An Bình, Song Hồ, Gia Đông, Thanh Khương, Hà Mãn, Trạm Lộ, Trí Quả, Xuân Lâm, Ninh Xá.
Nguồn: https://vtc.vn/bac-ninh-huyen-thuan-thanh-hoan-thien-cac-tieu-chi-tro-thanh-thi-xa-ar713025.html