fbpx
Chuyển tới nội dung

TP. Từ Sơn: Đổi thay trên quê hương Tam Sơn anh hùng

Về phường Tam Sơn (thành phố Từ Sơn) một ngày đầu tháng 12, không khí rộn ràng khắp các khu dân cư khi địa phương đang chuẩn bị kỷ niệm 114 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự – người con ưu tú của quê hương, người chiến sĩ cộng sản trung kiên. Học tập và noi gương đồng chí, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Sơn luôn đoàn kết một lòng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Kế thừa truyền thống văn hiến, cách mạng của quê hương, ngay từ khi là học sinh trường Bưởi (cuối năm 1925, đầu năm 1926) đồng chí Ngô Gia Tự tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Sau khi bị nhà trường đuổi học, đồng chí trở về quê vừa lao động vừa tự học và tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1926, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Giữa năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Ninh được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được chỉ định là ủy viên Tỉnh bộ. Đến giữa năm 1928 đồng chí là Bí thư Tỉnh bộ Bắc Ninh-Bắc Giang. Tháng 9-1928, đồng chí được bầu làm Ủy viên Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ. Năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự tham gia Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ. Ngày 31-5-1930, trong lúc đang viết truyền đơn tại một cơ sở cách mạng ở Phú Am trên sông Thị Nghè (Sài Gòn) đồng chí bị mật thám Pháp bắt, sau đó bị giam tại nhiều nhà tù và cuối cùng bị đày ra Côn Đảo. Trong một cuộc vượt ngục không thành công, đồng chí Ngô Gia Tự hy sinh năm 1935.

Noi gương đồng chí Ngô Gia Tự, nhân dân Tam Sơn đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê hương. Với nhiều đóng góp to lớn, Tam Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Sơn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm Khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Chi bộ khu phố Tam Sơn Nguyễn Văn Ngân  chia sẻ: “Tự hào là quê hương của đồng chí Ngô Gia Tự, cán bộ, đảng viên và nhân dân khu phố luôn đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Chi bộ duy trì sinh hoạt đều đặn vào ngày mùng 3 hằng tháng. Trong các kỳ sinh hoạt, Chi bộ triển khai thực hiện các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự với Đảng, cách mạng. Cán bộ, đảng viên thể hiện rõ tính tiền phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng năm, hơn 90% số đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Diện mạo Tam Sơn ngày càng hiện đại, văn minh.

Đảng bộ phường Tam Sơn hiện có 430 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ. Để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, Đảng ủy phường tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình, gắn thực hiện học và làm theo Bác với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII, XIII); chú trọng bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đảng viên. Từ năm 2015 đến năm 2021, Đảng bộ phường liên tục đạt danh hiệu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đảng ủy lãnh, chỉ đạo tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa và tiểu thủ công nghiệp. Phường có hơn 500 ha đất lúa, trong đó lúa nếp hàng hóa (đặc sản gạo nếp nhung Tam Sơn) chiếm gần 90% diện tích. Ngoài 2 vụ lúa, nhân dân đẩy mạnh trồng rau màu, nhất là rau màu vụ đông, góp phần đưa hệ số sử dụng đất đạt gần 2 lần. Phát huy nghề mộc truyền thống, người dân chú trọng cải tiến mẫu mã phù hợp với thị trường. Toàn phường có hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận. Thu nhập bình quân của người dân trong phường đạt gần 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,64%.

Diện mạo vùng đất cách mạng Tam Sơn được thay đổi từng ngày, sạch đẹp và khang trang hơn. Phường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, chú trọng tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là Công viên và Khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự để giáo dục các thế hệ con cháu tiếp bước truyền thống của quê hương. Hệ thống trường học, trạm y tế  được đầu tư nâng cấp, xây dựng đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Tiến Vũ, người dân thôn Thọ Trai phấn khởi: “Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất anh hùng cách mạng, không chỉ tôi mà người dân nơi đây rất tự hào. Chúng tôi cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Chứng kiến sự đổi thay của vùng đất cội nguồn cách mạng, tin rằng với sự đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tam Sơn sẽ tiếp nối truyền thống, giành được nhiều kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-chinh-tri/-/details/20182/-oi-thay-tren-que-huong-tam-son-anh-hung

Bình luận