fbpx
Chuyển tới nội dung

Tiên Du sau 20 năm tái lập huyện: Những con số ấn tượng

Quy mô kinh tế của Huyện năm 2018 đã gấp hơn 10 lần so với năm 1999; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, thu ngân sách đạt 1.700 tỷ đồng, gấp 179 lần so với năm 1999; GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD.

Đọc thêm: Phấn đấu đưa huyện Tiên Du trở thành Thị xã

Kinh tế Tiên Du liên tục tăng trưởng cao

Hai mươi năm trước, ngày 09/08/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68 về việc tách huyện Tiên Sơn để tái lập 2 huyện Từ Sơn và Tiên Du. Ngày 28/08/1999, Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Tiên Du tiến hành Hội nghị lần thứ nhất thông báo Quyết định của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc thành lập Đảng bộ huyện Tiên Du, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời, UBND huyện và huyện Tiên Du chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 01/09/1999. Năm 2007 do yêu cầu phát triển, 2 xã Khắc Niệm và Hạp Lĩnh được chuyển về thị xã để thành lập TP. Bắc Ninh. Từ đó, huyện Tiên Du có 14 đơn vị hành chính, gồm 13 xã và 1 thị trấn.

Thời điểm mới tái lập, cơ cấu kinh tế của Tiên Du nghiêng hẳn về nông nghiệp chiếm 59,7%, công nghiệp – xây dựng cơ bản 17,2%, thương mại, dịch vụ 23,1%, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, lại chịu ảnh hưởng từ những khó khăn thách thức của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

Vượt lên trên tất cả, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ huyện, cán bộ và nhân dân trong Huyện đã đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay ngay vào xây dựng và phát triển quê hương.

Nhờ đó, chặng đường 20 năm qua, Huyện đã đạt được những thành tựu to lớn đã đạt được về phát triển kinh tế – xã hội. Theo UBND huyện Tiên Du, kinh tế trên địa bàn Huyện liên tục tăng trưởng cao, bình quân trong 20 năm đạt trên 13%/năm. Quy mô kinh tế năm 2018 gấp hơn 10 lần so với năm 1999. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng đạt 76,7%, dịch vụ 19,4%, nông nghiệp 3,9%. Thu ngân sách đạt 1.816 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD.

Đảng bộ huyện Tiên Du ban hành nhiều nghị quyết về nông nghiệp nông thôn. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp ngày càng hoàn thiện. Các trạm bơm đầu mối được đầu tư, nâng cấp, hệ thống kênh mương cấp 2, 3 được kiên cố hóa, đường giao thông nội đồng mở rộng và bê tông hóa. Hệ thống đê điều thường xuyên được tu bổ và nâng cấp bảo đảm ứng phó hiệu quả với thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu. Việc dồn điền đổi thửa được thực hiện sớm từ năm 2002. Do đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển mạnh sang hướng công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Nông nghiệp huyện Tiên Du đã xây dựng được nhiều mô hình điểm áp dụng công nghệ cao như: Khu công nghệ cao Việt Đoàn, hoa cây cảnh ở Phú Lâm, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Cảnh Hưng. Năng suất lúa bình quân từ 39,2 tạ/ha tăng lên 61,8 tạ/ha (năm 2018). Giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích từ 27 triệu đồng/ha lên 117 triệu đồng/ha. Đặc biệt, năm 2016, Thủ tướng công nhận Tiên Du là huyện nông thôn mới.

Trung tâm Thị trấn Lim của huyện Tiên Du

Dựa trên lợi thế về địa lý, giao thông, đất đai, Đảng bộ huyện Tiên Du xác định sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là khâu đột phá, là động lực để phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời ban hành nhiều nghị quyết về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Huyện xây dựng và triển khai chính sách để các địa phương khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới cho người lao động nông nghiệp ở nông thôn.

Đến nay trên địa bàn huyện Tiên Du đã có 3 khu công nghiệp tập trung gồm (Tiên Sơn, Đại Đồng – Hoàn Sơn, VISIP) và 2 cụm công nghiệp địa phương (Phú Lâm và Tân Chi). Cùng với đó, trên 200 doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 25 nghìn lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2018 đạt trên 43.600 tỷ đồng, riêng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 14.700 tỷ đồng – tăng gấp 840 lần so với năm 1999.

Ngoài ra, hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện. Nhiều công trình, dự án có ý  nghĩa chính trị – xã hội, có vốn đầu tư lớn được hoàn thành và đưa vào sử dụng làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Quy hoạch phát triển ngành du lịch luôn được quan tâm, hệ thống giao thông kết nối giữa cụm di tích chùa Phật Tích và lăng Kinh Dương Vương đang được đầu tư. Xây mới và trùng tu nhiều hạng mục công trình trong quần thể chùa Phật Tích, chùa Lim, chùa Bách Môn. Hoạt động văn hóa tại Lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, lễ hội vùng Lim, nghe hát quan họ tại Đình làng Tam Tảo, chùa Bách Môn… hàng năm thu hút hàng chục vạn lượt du khách về thăm quan, nghiên cứu.

Một mặt phát triển kinh tế, mặt khác huyện Tiên Du xác định giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu. Khi mới tái lập, ngành giáo dục đào tạo huyện đứng ở top cuối của tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau khi tái lập huyện, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV (năm 2000) đã xác định: “Ưu tiên cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao giáo dục toàn diện, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ việc học tập và giảng dạy, tăng cường đào tạo nghề cho người lao động”. Hiện nay giáo dục Tiên Du đứng ở top đầu của Tỉnh, chất lượng giáo dục thực chất ở các cấp học được nâng lên; có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn (trong đó trên chuẩn đạt 90,6%). 100% phòng học được xây dựng kiên cố, 52/52 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về đích sớm 01 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng lần thứ XVII đề ra.

Chương trình đảm bảo an sinh xã hội được Huyện ủy, UBND Huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Công tác quốc phòng – an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh nông thôn được giữ vững, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của Huyện.

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được chỉ đạo đồng bộ có hiệu quả. Bình quân hàng năm có trên 70% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, có 80% đảng viên trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong 20 năm qua, Huyện đã kết nạp trên 2.700 quần chúng ưu tú vào Đảng.

Những thành tựu đạt được 20 năm qua là kết tinh của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ không ngừng; là quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thử thách của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. 

Phấn đấu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2020

Huyện Tiên Du đang phấn đấu đến năm 2020 đạt các tiêu chí cơ bản để trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trong tương lai, như mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra. Theo đó, nhiều mục tiêu xây dựng hạ tầng quan trọng được đặt ra.

Trước mắt, Huyện sẽ huy động các nguồn vốn từng bước triển khai đầu tư xây dựng hệ thống các công trình trọng điểm: đường Bách Môn – Lạc Vệ, dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 276 qua địa bàn, chỉnh trang đô thị trung tâm thị trấn Lim; nâng cấp các tuyến đường huyện và đường xã, từng bước làm đường nội đồng. Tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng trường học, trạm y tế theo tiêu chí chuẩn Quốc gia mức 2. Cải tạo và nâng cấp mạng lưới điện nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, hạ tầng kỹ thuật sản xuất. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh làm tốt công tác GPMB hoàn thành xây dựng các công trình quy mô lớn: cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành, Tỉnh lộ 276…
Giải pháp đặt ra là Huyện phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch cả ngắn và dài hạn, gắn quy hoạch với kế hoạch đầu tư phát triển ở từng xã trên phạm vi toàn huyện.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, thực hiện phân cấp quản lý cho các cơ sở theo hướng nâng cao chế độ, trách nhiệm của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và UBND các xã, thị trấn. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, công khai quá trình đầu tư để nhân dân, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị – xã hội giám sát, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng công trình, chống thất thoát, lãng phí. Theo đó, Huyện cần tổ chức thật tốt việc phát triển quỹ đất, đẩy mạnh tổ chức đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Cả xã và huyện cần tranh thủ khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, cũng như các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển.

Đối với các công trình đầu tư sản xuất cần tạo mọi điều kiện thực hiện các chính sách ưu đãi về thủ tục hành chính, mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, môi trường… để thu hút doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển./.

Với thành tích xuất sắc sau 20 năm tái lập Đảng bộ, cán bộ và nhân dân huyện Tiên Du đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt nhân kỷ niệm 15 năm tái lập huyện, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Tiên Du vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba

Nguồn: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/174-14882-tien-du-sau-20-nam-tai-lap-huyen.html

Bình luận