fbpx
Chuyển tới nội dung

Thêm cơ hội thuận lợi để sở hữu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở KCN Yên Phong

Những ngày cuối năm 2023, công trường dự án nhà ở xã hội Cát Tường Smart City và Thống Nhất Smart City nằm tại hai xã Thụy Hòa và Yên Trung (huyện Yên Phong) đang nhộn nhịp thi công.

Theo đại diện chủ đầu tư, dự án có tổng diện tích gần 18,5 ha, các căn hộ tại dự án có 2-3 phòng ngủ với giá bán khoảng 13 triệu đồng/m2, tối đa khoảng 1 tỉ đồng/căn hộ và người mua được vay khoảng 70% giá trị căn hộ. Hiện dự án đã thi công hơn 20% khối lượng công việc; dự kiến quý IV năm 2026 sẽ hoàn thiện 100% và bàn giao nhà cho người dân.

Với vị trí thuận lợi khi nằm sát KCN Yên Phong, khoảng cách đến trung tâm thành phố Bắc Ninh, thành phố Hà Nội không lớn (từ 16-30km). Cùng với đó, hạ tầng xã hội với đầy đủ tiện ích như công viên cây xanh, hồ điều hòa, trung tâm gym, yoga, trung tâm thương mại, phòng khám đa khoa, trường học liên cấp, hệ thống nhà hàng, khách sạn, bãi đỗ xe thông minh sẽ đầu tư đồng bộ… hy vọng được công nhân các tỉnh đang làm việc tại các KCN trên địa bàn huyện Yên Phong đón nhận.

Dự án nhà ở xã hội Cát Tường Smart City và Thống Nhất Smart City đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng

Đặc biệt, từ cuối tháng 11 vừa qua, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới và người dân kỳ vọng tạo thêm nhiều cơ hội để sở hữu nhà ở với nhu cầu chính đáng của mình. Trước đây, tiêu chí cư trú yêu cầu người dân phải có hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội. Tiêu chí này hiện đã được loại bỏ, bởi đã là công dân Việt Nam, được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở. Cùng với đó, người được mua nhà ở xã hội phải có thu nhập ở dưới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là dưới 11 triệu đồng/tháng. Thực tế chứng minh tiêu chí này không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, bởi nếu ở mức thu nhập này, người lao động không thể đáp ứng được nhu cầu cho vay của ngân hàng khi vừa phải trang trải tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hằng tháng, lại vừa phải trả nợ tiền gốc, tiền lãi vay ngân hàng. Đây cũng là điều kiện gây ra nhiều rắc rối nhất, gây bức xúc nhất khi người dân phải hoàn thành rất nhiều giấy tờ thủ tục hành chính. Dự thảo luật hiện đã được sửa đổi, nâng lên 15 triệu đồng/tháng.

Công nhân thi công các hạng mục phụ trợ

Chị Nguyễn Thu H quê huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) làm việc ở KCN Yên Phong đã hơn 10 năm, hiện đã kết hôn và có con nhỏ đang thuê nhà tại xã Đông Phong. Ước mơ của vợ chồng anh chị là được sở hữu một căn nhà ở chính sách xã hội. Với mức thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 17 triệu đồng/tháng, chị H. chia sẻ, trước đây, các tiêu chí đưa ra vừa rườm rà lại không bám sát thực tế khiến chúng tôi rất khó khi vay vốn và làm đủ hồ sơ. Đặc biệt, với tiêu chí thu nhập, ở luật cũ, người được mua nhà ở xã hội phải có thu nhập ở dưới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là dưới 11 triệu đồng/tháng. Nếu thu nhập cao hơn mức này thì hồ sơ sẽ bị loại nên vợ chồng chị rất khó mua được nhà ở như mong muốn. Hiện nay, khi quy định, tiêu chí mua nhà ở xã hội được nới rộng, gia đình chị H đăng ký mua một căn nhà ở xã hội tại dự án Thống Nhất Smart City và đang rất mong chờ ngày căn hộ được bàn giao để có thể “an cư lạc nghiệp”.

Khu Nhà ở công nhân tại KCN Yên Phong có đầy đủ  tiện ích bảo đảm đời sống ổn định cho người lao động

Thống kê từ Sở Xây dựng, đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện được 51 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất khoảng 157 ha. Các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 3,9 triệu m2 sàn với hơn 46.500 căn hộ cho khoảng 180.000 người. Cùng với đó, trên địa bàn cũng đang triển khai đầu tư 22 dự án nhà ở công nhân, quy mô xây dựng 31.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 105.000 người.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù tỉnh triển khai đầu tư xây dựng hàng chục ngàn căn nhà ở công nhân, nhưng sức tiêu thụ nhà ở công nhân lại không đạt như mong muốn. Hiện tại, trong số 7 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành, hoàn thành một phần tại tỉnh, cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện, nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít. Thời gian qua, các chủ dự án đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân nhưng số lượng bán được rất ít, hiện 7 dự án vẫn còn 1.324 căn nhà. Nguyên nhân là do đa số công nhân là lao động trẻ 18-30 tuổi khi đến làm việc chỉ có nhu cầu thuê thay vì mua nhà. Mặt khác nhiều hộ gia đình công nhân vướng mắc về tiêu chí cư trú, thu nhập ở dưới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân (dưới 11 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, công nhân muốn vay vốn mua nhà ở xã hôi cung xđang gặp phải khá nhiều khó khăn khác như: hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp, khó tiếp cận vốn vay… nên rất ít hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt yêu cầu.

Chắc chắn những sửa đổi phù hợp thực tế từ Luật Nhà ở (sửa đổi) là tín hiệu tích cực để việc triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh sớm đạt mục tiêu đề ra.

Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-giao-thong-xay-dung/-/details/20182/them-co-hoi-thuan-loi-e-so-huu-nha-o-xa-hoi-nha-o-cong-nhan

Bình luận