CTCP Tư vấn và thương mại Thăng Long vẫn còn bí ẩn đối với phần đông thị trường và dư luận tại địa phương. Trong khi đó, Hudland đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đọc thêm: Nhiều ý kiến quanh việc Bắc Ninh xin làm sân golf cạnh sông Đuống
Trong báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2020, CTCP đầu tư và phát triển bất động sản Hudland (Hudland – Mã CK: HLD) cho biết đã phải tổ chức làm việc online trong cuối Quý 1 và đầu Quý 2 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các công việc làm việc trực tiếp với đối tác/cơ quan quản lý Nhà nước cũng bị hạn chế.
Năm 2020 cũng đánh dấu bước ngoặt mới trong sự phát triển của Hudland. Công ty sẽ chủ động tự tìm kiếm và triển khai các dự án, thay vì thực hiện các dự án nhận chuyển giao từ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị (HUD).
Động thái này nhiều khả năng nhằm chuẩn bị cho việc thoái vốn của cổ đông Nhà nước tại đây. Được biết, trong năm 2019, Hudland đã rà soát số liệu, cung cấp đầy đủ theo yêu cầu, đồng thời tiến hành thủ tục thanh lý các hợp đồng ủy quyền với tổng công ty mẹ (HUD).
Hoạt động chuyển giao khiến công ty đối mặt với một năm 2020 đầy thách thức: “gần như hết các sản phẩm kinh doanh mà chưa có sản phẩm gối đầu”. Trong bối cảnh đó, một loạt các dự án bất động sản đã được HĐQT Hudland đưa vào danh sách đẩy nhanh tiến độ để được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm nay.
Trong đó, ban lãnh đạo Hudland cho biết sẽ bám sát cơ quan Nhà nước để có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, chuẩn bị triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành (Bắc Ninh).
Trên thực tế, dự án sân golf 18 lỗ, rộng 100 ha, tọa lạc tại khu đất ngoài đê sông Đuống, đã được Hudland rậm rịch tiếp cận từ lâu, cùng với sự đồng hành của đối tác CTCP Tư vấn và Thương mại Thăng Long (Thăng Long TC).
Liên danh Hudland – Thăng Long TC
Tháng 8/2017, liên danh nhà đầu tư Hudland – Thăng Long TC đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị thực hiện đầu tư dự án sân golf kể trên tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Liên danh nhà đầu tư cũng “đính kèm” bản cam kết đảm bảo vốn đầu tư cho dự án này.
Theo phương án liên danh nhà đầu tư đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư 797 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn góp tự có từ Hudland và Thăng Long TC sẽ chiếm 20% tổng vốn đầu tư (tương đương 159,4 tỷ đồng). Phần vốn còn lại (chiếm 80%) đến từ các nguồn huy động hợp pháp khác.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh (ngày 13/3/2017), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc bổ sung sân golf tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Là thành viên của HUD và đã niêm yết trên sàn chứng khoán, Hudland phần nào chứng tỏ được năng lực, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Việc nắm bắt tình hình tài chính, các hoạt động kinh doanh của Hudland cũng có thể dễ dàng thực hiện.
Thêm nữa, Hudland còn có sự am hiểu tại địa phương với kinh nghiệm đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp (quy mô 7.411 m2, gồm 389 căn) tại khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ, TP. Bắc Ninh.
Trong khi đó, Thăng Long TC vẫn còn bí ẩn đối với phần đông thị trường và dư luận tại địa phương.
Thăng Long TC của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Thăng Long TC được thành lập từ tháng 11/2006, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà số 57 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, từ ngày 21/5/2020, đã được chuyển giao từ ông Vũ Đình Sâm (SN 1971) sang ông Trần Kim Ngọc (SN 1981).
Cập nhật tại ngày 21/3/2018, Thăng Long TC có quy mô vốn điều lệ đạt 100 tỷ đồng, với 5 cổ đông cá nhân, bao gồm: ông Nguyễn Duy Dũng (góp 45 tỷ đồng, sở hữu 45% VĐL), bà Hoàng Hồng Hạnh (góp 20 tỷ đồng, sở hữu 20% VĐL), ông Trần Đức Thọ (góp 19 tỷ đồng, nắm giữ 19% VĐL), ông Vũ Đình Sâm (góp 15 tỷ đồng, chiếm 15% VĐL) và ông Bùi Văn Thiềng (góp 1 tỷ đồng, sở hữu 1% VĐL).
Cổ đông lớn nhất của Thăng Long TC, ông Nguyễn Duy Dũng (SN 1973), là một đại gia kín tiếng, góp vốn tại gần chục doanh nghiệp.
Một dữ liệu khác của VietTimes, cập nhật đến ngày 7/12/2017, cho thấy ông Dũng còn nắm giữ lượng cổ phần tương đương với 30% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 41 (Hadisco 41).
Như VietTimes từng đề cập, Hadisco 41 là đơn vị đã ký kết hợp đồng hợp tác cùng với CTCP Tài Nguyên (Mã CK: TNT) và 2 pháp nhân khác để đầu tư dự án Khu chung cư và văn phòng làm việc cho thuê tại Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội).
Đáng chú ý, ông Nguyễn Gia Long – Chủ tịch HĐQT TNT – cũng từng dành nhiều năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Hadisco 41.
Chuyển biến mới tại Sân golf quốc tế Thuận Thành
Trở lại với dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành, liên danh Hudland – Thăng Long TC vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bên cạnh các mối lo ngại về môi trường, nút thắt nhiều khả năng còn đến từ những nghi ngại về năng lực tài chính của bộ đôi Hudland – Thăng Long TC. Dù cho, chính quyền địa phương có nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ việc đầu tư dự án.
Theo truyền thông trong nước, ngày 31/1/2020, Bộ Tài chính đã có văn bản số 959/BTC-ĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại tỉnh Bắc Ninh.
Trong đó, Bộ Tài chính cho biết về năng lực tài chính, việc đầu tư, kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi doanh nghiệp đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn, đang bị chiếm dụng vốn lớn dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện dự án.
Về Thăng Long TC, văn bản nêu rõ trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018, công ty không phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Năm 2018, Thăng Long TC thua lỗ 917 triệu đồng, lỗ lũy kế tính đến thời điểm ngày 31/12/2018 là âm 12,7 tỷ đồng.
Với khoản lỗ này, tính đến cuối năm 2018, quy mô vốn chủ sở hữu của Thăng Long TC chỉ còn 87,3 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của công ty đạt 57,2 tỷ đồng, trong đó, chiếm tới 98,4% là khoản phải thu ngắn hạn (57,2 tỷ đồng). Các khoản đầu tư tài chính dài hạn đạt 33,7 tỷ đồng, chiếm 95,6% tổng tài sản dài hạn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn cho rằng Hudland và Thăng Long TC chưa đăng ký một số ngành nghề liên quan đến mục tiêu của dự án.
Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 21/5/2020 vừa qua, Thăng Long TC cũng đã đăng ký bổ sung một số ngành nghề mà Bộ Tài Chính yêu cầu. Không lâu sau đó, Hudland cũng đã đăng ký bổ sung một số ngành nghề tương tự. Các động thái này phần nào cho thấy bộ đôi nhà đầu tư đang làm việc rất tích cực với cơ quan chức năng để thúc đẩy dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành.
Cổ đông đáng chú ý tại Hudland
Tính đến ngày 30/6/2020, quy mô vốn chủ sở hữu của Hudland vẫn được giữ ở mức 200 tỷ đồng. Trong đó, HUD vẫn là công ty mẹ, chiếm tỷ lệ 51%. Theo sau là ông Kenneth Ruby Kamon với tỷ lệ sở hữu 6,25%.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của Hudland còn ghi nhận sự tham gia của CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (nay là CTCP Tập đoàn Cotana – Mã CK: CSC) với tỷ lệ sở hữu 3,15%.
Ông Phạm Cao Sơn – Chủ tịch HĐQT Hudland – cũng từng có thời gian dài làm việc tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (Thành Nam), trải qua các vị trí Cán bộ kỹ thuật, rồi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc. Từ tháng 10/2008, ông Sơn bắt đầu công tác tại Hudland.
Một thành viên khác trong HĐQT Hudland là bà Đinh Thị Minh Hằng hiện đang đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính tại CTCP Tập đoàn Cotana.
Ông Nguyễn Nam Cường – Phó Giám đốc Hudland – từng là trợ lý Chủ tịch HĐQT Thành Nam giai đoạn 2007 – 2009.
Hiện, cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Cotana do ông Đào Ngọc Thanh nắm giữ. Ông Thanh hiện cũng là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG)./.
Nguồn: https://viettimes.vn/thang-long-tc-ban-dong-hanh-voi-hudland-tai-san-golf-thuan-thanh-bac-ninh-488438.html