Trong 5 năm tới, Bắc Ninh dự tính sẽ tập trung mọi nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư công lớn trên lĩnh vực hạ tầng giao thông nhằm tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Các dự án, công trình trên, nếu hoàn thành sớm sẽ là đòn bẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, tạo đà mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Những dự án giao thông tạo sức bật cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
Theo Sở KH-ĐT Bắc Ninh, giai đoạn 2021 – 2025, lĩnh vực đầu tư công của tỉnh cần nguồn vốn gần 45.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn. Trong đó, số lượng vốn lớn dành cho các công trình hạ tầng giao thông. Dự kiến những dự án hạ tầng giao thông có thể tạo ra sức bật lớn cho kinh tế của Bắc Ninh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các khu vực lân cận trong giai đoạn 2021 – 2025 là cầu Kênh Vàng với tổng mức đầu tư hơn 1.590 tỷ đồng; đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô (đoạn qua địa phận Bắc Ninh) tổng mức đầu tư hơn 5.580 tỷ đồng; cầu Chì dự kiến đầu tư hơn 1.892 tỷ đồng; các tuyến đường tỉnh 277B, 285B, 295C kết nối với QL3 mới, cầu Hà Bắc 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.024 tỷ đồng; dự án mở rộng cầu Hồ với tổng mức đầu tư dự kiến gần 600 tỷ đồng…
Đây là những dự án mang tính “động lực” cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô dài 112,8km có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đoạn qua địa phận Bắc Ninh dài 24,2 km và 9,7 km tuyến nối với đường Bắc Ninh – Nội Bài. Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư hỗn hợp đầu tư công và phương thức đối tác công tư PPP, chia tách thành 7 dự án thành phần. Theo kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là chủ đầu tư thực hiện hợp phần dự án số 1 (bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư) và số 2 (xây dựng đường đô thị, đường song hành theo hình thức đầu tư công trên địa phận của từng địa phương). Để triển khai đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh dự kiến bố trí nguồn vốn cho dự án gần 3.000 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026 – 2030 từ nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc nguồn cải cách tiền lương còn dư. Công việc này sẽ được tỉnh ưu tiên thực hiện theo đúng lộ trình của các công trình, dự án.
Ngoài ra còn phải kể đến dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài tuyến khoảng 13,4 km kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Hay như dự án Đường ĐT.285B (đoạn từ ĐT.295 xã Đông Tiến đến QL.3 mới huyện Yên Phong) và Nút giao hoàn chỉnh nối ĐT.285B với QL.3 mới; xây dựng các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4. Đây là những tuyến giao thông mới kết nối giao thông tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận, kết nối các vùng trong tỉnh, kết nối tạo không gian phát triển, vành đai liên thông các khu công nghiệp; đồng thời thực hiện cam kết với nhà đầu tư Công ty Công nghệ Amkor khi doanh nghiệp này quyết định đầu tư dự án 1,6 tỷ USD sản xuất vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C…
Đa dạng hóa kênh vốn đầu tư
Với hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm, tỉnh cần nguồn vốn đầu tư công rất lớn cho giai đoạn 2021-2025. Nếu chỉ trông đợi vào nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ không đáp ứng đủ, do đó bài toán đặt ra cho tỉnh muốn thực hiện nhanh các dự án quan trọng phát triển kinh tế – xã hội thì phải làm tốt công tác quy hoạch về đất đai, xây dựng, rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ của dự án, có vốn để đầu tư.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Đình Xuân cho rằng, Bắc Ninh sẽ khai thác lợi thế về đất đai ở những nơi mở ra các tuyến đường lớn để lấy vốn đầu tư các công trình quan trọng, hình thành các khu đô thị. Các khu đất triển khai các dự án khu đô thị trên sẽ được thu hồi, đấu giá lấy tiền để đầu tư. Các địa phương có quy hoạch các tuyến đường giao thông sẽ đầu tư trong 5 – 10 năm tới, tỉnh đều yêu cầu đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 những khu đất có lợi thế. Cùng với đó là cập nhật quy hoạch xây dựng các khu đất đó để khi đấu giá thành công, nhà đầu tư có thể triển khai nhanh các dự án theo quy hoạch. Nếu khai thác tốt quỹ đất có lợi thế, tỉnh sẽ không lo thiếu vốn cho những công trình đầu tư công ở các địa phương. Tuy nhiên, cần có điều kiện để DN trúng đấu giá đất phải triển khai dự án trong 2 – 4 năm, quá thời hạn trên sẽ bị thu hồi và không nhận được đền bù. Đây là ràng buộc để DN phải kịp thời triển khai dự án, đưa vào khai thác góp phần phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và tỉnh.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là những nỗ lực của ngành GTVT, các doanh nghiệp, những công trình, dự án giao thông trọng điểm sẽ được triển khai và sớm hoàn thành, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/tao-ot-pha-tu-nhung-du-an-giao-thong-lon