Từ một tỉnh thuần nông, sau 25 năm tái lập, Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đứng đầu cả nước
Sáng 18.2, tại TP.Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh tổ chức họp báo về hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh.
Tại cuộc họp báo, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã thông tin về một số kết quả nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh. Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, hiện Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Trong đó, 10/15 chỉ tiêu quốc gia đánh giá xếp hạng tốp 10 và 5/15 chỉ tiêu đứng thứ nhất (gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trạm y tế kiên cố hóa; diện tích nhà ở bình quân trên đầu người).
Quy mô nền kinh tế Bắc Ninh đứng thứ 8 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 -2021 đạt 13,9%/năm; GRDP (theo giá so sánh) năm 2021 đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2020, đứng thứ 13 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước.
Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Hiện, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung, 1.780 dự án với tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh 21,1 tỷ USD (gấp 151 lần năm 1997) đứng thứ 7 cả nước, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn có hoạt động trên địa bàn tỉnh như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB…
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, đứng thứ nhất cả nước. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đứng đầu cả nước (năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đạt 1,128 triệu tỉ đồng).
Thu ngân sách nhà nước đạt cao; chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, hiệu quả; tổ chức tín dụng được mở rộng và hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội: Tổng thu ngân sách giai đoạn 1997-2021 tăng bình quân 23,7%/năm; năm 2021 đạt 33.260 tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997, vượt 19,5% dự toán; Bắc Ninh là tỉnh tự cân đối thu – chi ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc.
Bắc Ninh sẽ là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh
Tuy vậy, tỉnh Bắc Ninh xác định động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới sẽ có nhiều khó khăn về: Dư địa về đất đai, nguồn nhân lực, cạnh tranh lợi thế… Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn khó khăn (nhất là vốn, lao động), đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập như: Thu hút đầu tư, đất đai, ô nhiễm môi trường, đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chất lượng giáo dục đại trà chưa tương xứng; thiếu lao động chất lượng cao.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, cơ hội mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính; tăng cường quản lý phát triển xã hội, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh sẽ là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh
Năm 1831, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh được vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ. Sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính giữa các địa phương, đến năm 1962, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc.
Ngày 6.11.1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 1.1.1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Thị xã Bắc Ninh trở thành thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích là 822,7km2 gồm 5 huyện và 1 thị xã, với 123 xã, phường, thị trấn.
Đến nay, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài; với 126 xã, phường, thị trấn.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/sau-25-nam-tai-lap-bac-ninh-vao-nhom-nhung-tinh-phat-trien-nhat-ca-nuoc-1015424.ldo