fbpx
Chuyển tới nội dung

Mục tiêu hoàn thành đường vành đai 4 Vùng Thủ đô đến 2026

5 dự án giao thông trọng điểm trong đó có đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến 2026.

Sáng 1/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương, nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm.

Các dự án có tổng chiều dài hơn 500 km, gồm đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP HCM, đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này.

Từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, dành nguồn lực, thời gian, công sức, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Cả nước đang triển khai hơn 700 km đường cao tốc theo kế hoạch đầu tư công trung hạn; cuộc họp hôm nay bàn về việc triển khai xây dựng thêm trên 500 km đường cao tốc, đường vành đai và thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các dự án khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. (Ảnh: VGP).

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương về 5 dự án này. Đây đều là những tuyến đường quan trọng, huyết mạch, việc triển khai xây dựng liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều tỉnh, thành phố và nhiều người dân.

Trung ương bố trí 50%, địa phương bố trí 50% vốn

Thủ tướng nêu rõ, về nguyên tắc, Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự này, gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các nguồn vốn khác. Việc bố trí vốn phải linh hoạt, sát tình hình, tiến độ và bảo đảm đủ để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục kế thừa các chính sách đã được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép; tiếp tục rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề còn vướng mắc.

Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư, với dự án PPP thì giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, dự án.

Vành đai 4 vùng thủ đô: 8 nút giao thông, 4 cầu vượt sông

Báo cáo của Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

đường vành đai 4 qua bắc ninh
Sơ đồ dự kiến hướng tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô. (Đồ họa: Alex Chu).

Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1 trong đó có một nút giao với quốc lộ 38 ở Thuận Thành – Bắc Ninh. Tuyến đường này cũng sẽ có ba cầu vượt vượt sông, trong đó đường vành đai 4 qua Bắc Ninh có một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990 m) – cầu Hoài Thượng.

Đọc chi tiết: Đường vành đai 4 qua Bắc Ninh ở những điểm nào? Chính sách của Bắc Ninh với con đường huyết mạch này

Nguồn: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/muc-tieu-hoan-thanh-hai-vanh-dai-va-ba-cao-toc-nay-den-2026-43202213164558667.htm

Bình luận