Theo thống kê của Công ty Điện lực Bắc Ninh: Toàn tỉnh hiện có 493 tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt đạt 20.423 kWp. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện nay chiếm 0,6% tổng nguồn cung cấp điện năng của tỉnh.
Theo đơn vị tư vấn IPC E&C, điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp cho các khu công nghiệp ở Bắc Ninh nói chung và các doanh nghiệp nói riêng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Sáng ngày 15/9, tại thành phố Bắc Ninh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cùng các sở, ngành có liên quan và đơn vị tư vấn tổ chức Hội nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà các khu công nghiệp tại Bắc Ninh.
Hội nghị là diễn đàn khoa học thực tiễn, đối thoại doanh nghiệp nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn các chủ thể có liên quan về việc triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà; để hoàn thiện hệ sinh thái khu công nghiệp Bắc Ninh theo hướng xanh, sạch, quản lý thông minh và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Đức Long cho biết: Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trong đó có 10 khu công nghiệp với 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đã cấp hơn 1.777 Giấy chứng nhận đầu tư dự án (trong nước là 565, FDI là 1.212) với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23.112,69 triệu USD. Hiện nay các Khu công nghiệp Bắc Ninh sử dụng 320.121 lao động, trong đó lao động nước ngoài là 6.581 người.
Việc triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà được xem là một trong những nội dung phát triển năng lượng xanh, sạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Qua rà soát tại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà còn gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, GS, TS. Lê Chí Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Môi trường – Tài nguyên – Năng lượng – Giáo sư của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính là một trong những hướng phát triển mang tính bền vững đã được Thủ tướng cam kết tại COP26. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa và cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW, ký ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Năng lượng mặt trời được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo rất có tiềm năng và rất có triển vọng, điều này đã liên tục được thể hiện trong các dự thảo về Quy hoạch điện VIII. Đặc biệt, trong bản dự thảo mới nhất, điện mặt trời được kỳ vọng chiếm đến 16,87% so với tổng công suất nguồn dự kiến lắp đặt vào năm 2025 là 102.193 MW.
Trong định hướng phát triển điện mặt trời, xét riêng cho trường hợp Bắc Ninh, điện mặt trời (mà cụ thể là ĐMTMN) nên được ưu tiên phát triển và trọng tâm phát triển nên là các khu công nghiệp – cụm công nghiệp. Để đẩy manh phát triển ĐMTMN có hiệu quả, Bắc Ninh nên chia khu công nghiệp – cụm công nghiệp ra làm 3 loại và căn cứ vào đặc điểm của từng loại để lựa chọn phương án triển khai phù hợp. Bắc Ninh cũng nên chú ý đến việc nghiên cứu áp dụng giải pháp ESCO trong quá trình triển khai ĐMTMN.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh Phạm Khắc Nam chia sẻ: Hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Ninh có 3 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng là 1.500 MVA; 26 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 2.929 MVA; có 4.744 máy biến áp phân phối với tổng dung lượng 3.108.265 kVA.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bắc Ninh: Toàn tỉnh hiện có 493 tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt đạt 20.423 kWp. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện nay chiếm 0,6% tổng nguồn cung cấp điện năng của tỉnh. Hầu hết các tổ chức, cá nhân đều lắp đặt phục vụ nhu cầu sử dụng tự dùng, sau đó sản lượng dư thừa mới bán cho ngành điện. Các hệ thống điện mặt trời được đưa vào vận hành giúp cung cấp một phần điện tự dùng cho tiêu dùng, sản xuất; tăng cường tiết kiệm năng lượng điện, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng truyền thống và đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính.
Với vai trò là đơn vị tư vấn, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình IPC (IPC E&C) – đã trình bày cụ thể những lợi ích kinh tế và kỹ thuật về hệ thống điện mặt trời và chia sẻ cụ thể về một số mô hình, kinh nghiệm thực tiễn triển khai lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên mái nhà.
IPC E&C là đơn vị đã có kinh nghiệm về triển khai gần 1.300 MW các dự án về năng lượng tái tạo nói chung và hơn 50 MWp điện mặt trời nói riêng, với hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà trên cả nước.
Theo đơn vị tư vấn IPC E&C, điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp cho các khu công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nói riêng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tại thời điểm này, có thể nói đây là giải pháp duy nhất, khả thi trên cả phương diện về pháp luật và tài chính và dễ triển khai.
Phần tọa đàm có nhiều ý kiến và câu hỏi cụ thể được đặt ra, tập trung thảo luận nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Đại diện các sở, ban, ngành của Bắc Ninh đã hướng dẫn trao đổi thảo luận các nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý và trình tự thủ tục cấp Giấy phép xây dựng đối với các công trình xây mới và cải tạo, lắp đặt thêm hạng mục điện mặt trời mái nhà tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Sở Tài nguyên – Môi trường đã hướng dẫn, trao đổi thảo luận các nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý và trình tự thủ tục về phòng cháy chữa cháy và môi trường đối vơi các công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Công thương và Công ty Điện lực Bắc Ninh cũng đã giải đáp và hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý và trình tự thủ tục thẩm định về công nghệ, hoạt động kinh doanh, buôn bán và truyền tải điện trên hệ thống đối với các công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.
Thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp đã đưa ra các câu hỏi trực tiếp và trực tuyến hết sức thiết thực liên quan đến nhu cầu triển khai lắp đặt ĐMTMN. Đại diện các sở, ngành và chuyên gia tư vấn cũng đã giải đáp trực tiếp về các thủ tục, vướng mắc, khó khăn trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn điện phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh./.
Nguồn: https://nangluongvietnam.vn/thao-go-kho-khan-cho-dien-mat-troi-mai-nha-khu-cong-nghiep-tai-bac-ninh-29420.html