Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh thu hút 32 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 13.119,7 tỷ đồng.
Đọc thêm: Top 5 địa phương xuất khẩu mạnh nhất nước 6 tháng đầu năm: “Hú hồn” với vị trị của Bắc Ninh
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước chọn Bắc Ninh là điểm đến để thực hiện dự án đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút 32 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 13.119,7 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 52 dự án đầu tư, trong đó có 19 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng 684 tỷ đồng.
Để thu hút các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư trong nước nói riêng, công tác tuyên truyền về lợi thế đầu tư tại địa bàn tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú. UBND tỉnh thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử về môi trường đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và website của một số sở, ban, ngành với nội dung chính như: Các chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án mời gọi vốn đầu tư, các nội dung về quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực; lĩnh vực hạn chế, cấm đầu tư… Qua đó, giúp nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu về tỉnh cũng như nắm bắt được những lợi thế trong cả quá trình đầu tư tại Bắc Ninh. Các cơ chế ưu đãi được tỉnh xây dựng và thực hiện đúng pháp luật, khá cụ thể, phù hợp với đặc thù, tính chất của dự án đầu tư, nơi thực hiện dự án đầu tư, phù hợp với ngoài khu công nghiệp, trong khu công nghiệp.
Một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư đó là tỉnh có cơ chế khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như: Các dự án có công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; dự án đóng góp nhiều cho ngân sách; các dự án công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử, tin học; các dự án công nghiệp phụ trợ có khả năng thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển (logistics).
Để thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, tỉnh hoàn thành nhiều quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng bảo đảm đồng bộ về giao thông, điện, cấp thoát nước, dịch vụ viễn thông. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm. Bên cạnh đó, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân…
Ông Kiều Đình Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuân Hòa Hà Nội – chi nhánh Bắc Ninh chia sẻ: Công ty hiện có nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Quế Võ. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, doanh nghiệp luôn được tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi. Đến nay, công ty có mức tăng trưởng khá, luôn thực hiện đầy đủ chính sách, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, kết quả thu hút dự án vốn đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực. Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp 1.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh gần 249.300 tỷ đồng. Đến nay khoảng 75% số dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động, nhiều doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư dự án vốn trong nước, các ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung rà soát, đổi mới và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách, các giải pháp thiết thực để cải thiện rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức rà soát, kiểm tra các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định, kiên quyết thu hồi đất để tiếp nhận các dự án đầu tư có hiệu quả. Tiếp tục xây dựng danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách và thân thiện với môi trường.
Hiệu quả của việc thu hút đầu tư nói chung, thu hút đầu tư dự án nguồn vốn trong nước nói riêng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội thể hiện rõ nét trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/ket-qua-kha-quan-thu-hut-du-an-von-au-tu-trong-nuoc