Bắc Ninh đang trên đà vươn lên mạnh mẽ để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành quả này là sự cố gắng không ngừng suốt 25 năm qua của các cấp, ngành, địa phương cùng toàn thể nhân dân. Trong đó, ngành Giao thông vận tải (GTVT) với vai trò đi trước, mở đường đã và đang tạo ra những “mạch máu” giao thông, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
Đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới, để phấn đấu cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH, ngành GTVT Bắc Ninh không ngừng đổi mới hoạt động, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển mạnh và đồng bộ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng hoá và nhu cầu đi lại của nhân dân. Dấu ấn đậm nét nhất trong xây dựng, phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn phải kể đến việc phát triển hệ thống đường giao thông từ hệ thống Quốc lộ, đường tỉnh đến giao thông nông thôn. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đang được nâng cấp, bổ sung mới ngày càng hoàn thiện với gần 4.000km đường bộ, gồm: gần 130km quốc lộ, 290km tỉnh lộ, 456km đường huyện còn lại là đường đô thị, chuyên dùng và giao thông nông thôn. Điểm nhấn là nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Hồ, Cầu Bình Than, nút giao QL18 với KCN Yên Phong, cầu Bồ Sơn mở rộng, Nút giao thông phía Tây Nam thành phố… Cùng với đó, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn được đầu tư xây dựng đồng bộ, tiệm cận tiêu chí giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của các địa phương ngày càng phát triển. Nhờ có hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại cơ bản đồng bộ, thông suốt đã đưa hệ thống giao thông của Bắc Ninh hòa mình nhanh chóng vào dòng chảy giao thông khu vực, giao thông quốc gia.
Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, công tác vận tải từng bước phát triển với hàng chục tuyến xe buýt, vận tải hành khách cố định, hàng chục nghìn phương tiện vận tải duy trì ổn định và phát triển, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển công nghiệp, dịch vụ. Công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy được thực hiện theo đúng quy định, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Từ đó góp bảo đảm an toàn, thông suốt trên các tuyến đường. Nhờ làm tốt công tác quản lý hạ tầng giao thông, vận tải, tỉnh Bắc Ninh là địa phương nhiều năm liên tiếp có tỷ lệ giảm TNGT cả 3 tiêu chí. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên toàn tỉnh xảy ra 41 vụ làm 34 người chết và 13 người bị thương (giảm 1 vụ, 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021).
Hệ giao thông phát triển đồng bộ đã mở ra cơ hội đón các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế toàn cầu: Samsung (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan)…, thu hút gần 1.750 dự án FDI và 1.530 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Những thành quả đạt được là hết sức tự hào, nhưng đòi hỏi ngành GTVT Bắc Ninh phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trọng tâm là đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như: Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành, ĐT 287…; chuẩn bị triển khai các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025 như: cầu Kênh Vàng, đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, mở rộng cầu Hồ, mở rộng cầu Ngà… Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ, hình thành chuỗi liên kết vùng bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, toàn diện, hiện đại, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của tỉnh, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Chú trọng công tác quản lý, bảo trì công trình, hành lang an toàn đường bộ, kiểm tra rà soát hệ thống ATGT; giám sát, kiểm tra các hoạt động vận tải; quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện, phấn đấu tiếp tục giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí…
Đối với nhiệm vụ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Sở GTVT bám sát nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng, tham gia ý kiến, đề xuất các phương án đối với các quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh phương án quy hoạch về GT-VT để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa, cảng logistic; quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị theo hướng tăng cường khả năng kết nối vùng với thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận. Phối hợp với các huyện, thành phố triển khai xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tĩnh theo hướng thông minh tại các địa phương… nhằm cải thiện hiệu quả mạng lưới đường bộ, sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại.
Có thể thấy, định hướng rõ nét với quan điểm giao thông “đi trước, mở đường” sẽ là cơ sở để ngành GTVT triển khai các quy hoạch phát triển, phân bổ nguồn lực đồng đều giữa tất cả các khu vực trong thời gian tới. Từ đó, hình thành mạng lưới giao thông thống nhất, trục giao thông kết nối đưa Bắc Ninh trở thành địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế, khai thác tốt lợi thế cạnh tranh, chung sức xây dựng Bắc Ninh ngày càng phát triển bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Sở GTVT http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-giao-thong-xay-dung/-/details/20182/ket-noi-giao-thong-tao-a-phat-trien-kinh-te-xa-hoi