Nhiều địa phương vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng giữa muôn vàn khó khăn của dịch bệnh. Trong đó, tập trung vào các trụ cột chính, thế mạnh của kinh tế địa phương là kinh nghiệm quý giá để nhân rộng khi bước vào giai đoạn mới – sống thích ứng với dịch bệnh.
Chú trọng các trụ cột kinh tế
Trong một phát biểu gần đây, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến những địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giữa bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, những “đầu tàu” như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai chịu những “cú đánh” trực diện nhất, một số ngành có GDP tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm. Việc giữ được nhịp tăng trưởng ở một số địa phương thực sự đáng quý. Điều này cần được nhân rộng trong thời gian tới, khi nới lỏng giãn cách và chuyển chiến lược sang giai đoạn mới – sống thích ứng với dịch bệnh.
Tại Hải Phòng, ông Lê Gia Phong – Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hải Phòng – cho biết, động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu. Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,38%, đóng góp 21,4 điểm % vào mức tăng chung.
“Nhờ các chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng với đó là sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do, đó là cơ hội lớn cho Hải Phòng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới để giữ vững thành quả và đạt mức tăng trưởng đề ra cho năm, Hải Phòng sẽ phải đảm bảo tiến độ thực hiện triển khai các khu, cụm công nghiệp, đồng thời sẵn sàng có đủ mặt bằng để đón đầu, thu hút các dòng đầu tư nước ngoài mới” – ông Lê Gia Phong phân tích.
Còn tại Quảng Ninh, trong bối cảnh dịch COVID-19, địa phương này xác định đầu tư công là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Tường Văn cho biết, đến nay, tỉnh đã giải ngân hết số vốn 9.000 tỉ đồng mà Thủ tướng giao cho năm 2021, đang tập trung giải ngân số vốn của tỉnh, hiện đã đạt 72%.
Trong một hội nghị gần đây về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ông Văn nhắc tới một ví dụ điển hình là việc giải phóng mặt bằng cho đường Vân Đồn – Móng Cái chỉ trong 30 ngày đã xong. Tới thời điểm hiện tại, Quảng Ninh vẫn đặt ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cả năm 2021 sẽ đạt 2 con số.
Bứt phá từ các thế mạnh
Ở Bắc Ninh, Bắc Giang, những sáng tạo từ các quyết định chưa từng có tiền lệ đã giúp các địa phương này giữ nhịp tăng trường. Đây là những địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương thức 3 tại chỗ (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc), mà về sau trở thành bài học kinh nghiệm quý giá cho việc thực hiện mục tiêu kép.
Từ cơ sở đó, Bắc Ninh và Bắc Giang đã tập trung, dồn sức cho các chương trình hồi phục kinh tế. Những địa phương này vẫn được coi là các thủ phủ khu công nghiệp của cả nước và thế mạnh này tiếp tục được bứt phá trong thời gian gần đây.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030. Theo đó, đến 2030, Bắc Giang sẽ quy hoạch 29 khu công nghiệp và 65 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.000ha. Tỉnh này sẽ tập trung xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược là các tập đoàn, tổng công ty lớn, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500), các đối tác nước ngoài có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có kinh nghiệm, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBDN tỉnh Bắc Giang nói với PV Lao Động, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung cho công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu tư vào các tuyến đường kết nối giữa các khu công nghiệp, tạo điều kiện giao thông để đi ra sân bay, cảng biển được thuận tiện hơn.
Trong khi đó, tại Bắc Ninh, tỉnh này tập trung vào các chính sách để tiếp tục giữ chân và thu hút nguồn vốn FDI. Ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại thời điểm hiện nay địa phương này đã thu hút khoảng 37 quốc gia với 20,4 tỉ USD vốn FDI.
Với các cơ chế tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, Bắc Ninh đang thực hiện rất tốt, với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon… Tỉnh đã có chủ trương đa dạng hoá đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về hạ tầng. Với cơ chế chính sách đáp ứng nhu cầu FDI chất lượng cao trong những năm trở lại đây, tỉnh nằm trong top 10 về thu hút FDI, top 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhiều mô hình, đặc biệt là mô hình bác sĩ doanh nghiệp, đã có tác động tích cực hỗ trợ đầu tư.
“Trong thời gian tới, trước hết chúng tôi sẽ tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất. Hai là sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba là sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật. Bốn là sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều được giải quyết qua cơ quan cao nhất của tỉnh, nhanh chóng thuận lợi” – ông Vương Quốc Tuấn cho biết.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/tap-trung-vao-the-manh-kinh-te-dia-phuong-giu-da-tang-truong-960975.ldo